Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ 4.0

Ngày 27/6, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức Hội thảo Kỹ thuật dệt may lần thứ 4 – năm 2018, với chủ đề Tăng tốc và Đổi mới.

Theo ông Ahn Seong Ho, Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trên 20%/năm, đạt mốc 64 tỷ USD trong năm 2017.

 

Đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam cũng vượt mốc 58 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, hai nước đã có những thành công rực rỡ khi tạo được một hệ thống hợp tác dựa trên ưu điểm bù trừ cho nhau về công nghệ và lực lượng lao động.

 

Đề cập đến xu hướng phát triển mới hiện nay, ông Ahn Seong Ho cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) đang trở thành đề tài nóng hổi cho mọi doanh nghiệp. Cuộc cách mạng 4.0 có ưu điểm lớn trong việc giúp hệ thống sản xuất sản phẩm thay đổi theo hướng linh hoạt và hiệu quả hơn, có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ mang tính cách mạng, đồng thời có thể cung cấp sản phẩm theo yêu cầu.

 

“Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may nếu biết tận dụng tốt cuộc cách mạng 4.0 để thay đổi đột phá hệ thống sản xuất và kinh doanh thì sẽ tạo ra được cơ hội làm ăn tốt ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước hợp tác sâu hơn về công nghệ để ngành công nghiệp dệt may phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”, đại diện Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết: Hiện Hàn Quốc là một trong những nước đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Hàn Quốc. Những dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may của Hàn Quốc vào Việt Nam thường có nền công nghệ tốt phục vụ cho nhu cầu phát triển mới của thị trường xuất khẩu.

 

Theo ông Giang, với chủ đề “Tăng tốc và đổi mới”, hội thảo Kỹ thuật dệt may lần thứ 4 – năm 2018 tập trung giới thiệu thêm về xu hướng vải chức năng, các đề xuất xây dựng, kiến tạo nhà máy may thông minh cũng như hệ thống lưu trữ thông minh cho nhà máy dệt. Từ đó, góp phần tạo ra nền tảng thúc đẩy nhanh trong chiến lược phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may Việt Nam cũng như tiếp tục khẳng định mối quan hệ bền vững giữa VITAS và KITECH.

 

Theo VITAS, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh đến các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là trong ngành dệt may. Tuy nhiên, việc thích ứng và tận dụng các cơ hội mà công nghệ 4.0 mang lại trong ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Đây cũng là lí do chính VITAS phối hợp với KITECH tổ chức hội thảo này để cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về phương thức chuyển đổi kỹ thuật số trong thiết kế thời trang, việc ứng dụng thiết kế 3D để tăng năng suất và tăng hiệu quả truyền thông.

 

Các chủ đề chính của cuộc Hội thảo bao gồm: Các xu hướng vải chức năng; quy trình tiêu chuẩn phát triển sản phẩm kỹ thuật số; chuyển đổi kỹ thuật số của thời trang; áp dụng 3D để tăng năng suất và tăng hiệu quả truyền thông; máy may tự động cho nhà máy may thông minh; hệ thống cung cấp và lưu trữ thông minh cho nhà máy dệt…

 

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức cũng tổ chức Khu trưng bày giới thiệu loại vải mới đa chức năng và buổi giao thương với các công ty đến từ Hàn Quốc nhằm chia sẻ cùng các doanh nghiệp Việt Nam nhiều giải pháp hiện đại mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang triển khai áp dụng.

 

Hứa Chung (TTXVN)
Dệt may Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường truyền thống
Dệt may Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường truyền thống

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý III/2018 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá tại các thị trường truyền thống. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU và các nước trong khối CPTPP đều có mức tăng trưởng hai con số, đặc biệt thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN