May xuất khẩu tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt cho biết, tới đây hàng loạt FTAs mới được ký kết và kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho dệt may Việt Nam với mức tăng trưởng cao. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), ký kết các Hiệp định thương mại với tư cách là thành viên ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ...
Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cũng thừa nhận toàn ngành tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2%, thậm chí không thay đổi và sự cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Theo ông Trương Văn Cẩm, khó khăn mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt là các FTAs phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ (CPTPP từ sợi, EVFTA từ vải…); trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu.
Hiện một số nước tập trung hỗ trợ cho dệt may như Bangladesh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, thuế nhập khẩu sợi linen và spandex từ 10% xuống 5%, thuế nhập khẩu hóa chất, thuốc nhuộm từ 25% xuống 15%; Pakistan áp dụng cơ chế miến thuế cho nguyên liệu và năng lượng cho hàng dệt may xuất khẩu, miến thuế nhập khẩu thiết bị máy móc…; Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu cho một số loại xơ, sợi từ 5% xuống 2,5%...
Tại EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước như Campuchia, Myanmar…; Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia. Trong khi đó, dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU.
Trước những khó khăn này, Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị Nhà nước thống nhất quy hoạch và cấp phép cho các khu công nghiêp dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm; tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động; hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp và không khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực sợi và may.