Khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao thì mối nguy mua phải hàng giả, hàng nhái lại càng lớn. Đáng lo ngại là càng những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, hàng hóa của những doanh nghiệp (DN) càng nổi tiếng thì nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái càng nhiều.
Nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhiều bất cập.
Ghi nhận thị trường cho thấy, do các “chiêu trò” làm hàng giả ngày càng tinh vi, khó nhận biết nên người tiêu dùng dù cẩn thận đến đâu cũng không lường hết các “bẫy” của hàng giả, hàng nhái.
Lắm chiêu, nhiều trò
Đã nhiều lần nghe các thông tin cảnh báo về mỹ phẩm giả nên chị Lê Ngọc Lan (quận 9, TP Hồ Chí Minh) thường chỉ chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng quen, quan sát kỹ bao bì, mẫu mã. Tuy nhiên, mới đây, chị Lan vẫn mua phải một chai sữa tắm giả nhãn hiệu White Care. Chị Lan cho biết: “Tôi mua một chai sữa tắm dê nhãn hiệu White care tại chợ Bình Tây. Ngay lần sử dụng đầu tiên tôi đã thấy da mình nổi đỏ và rất ngứa. Tôi nghĩ chắc là do mình bị dị ứng với loại sữa tắm này. Tuy nhiên, khi ông xã và các con tôi dùng loại sữa tắm này cũng bị ngứa rất khó chịu nên tôi đã chuyển ngay sang loại sữa tắm khác và thấy không còn hiện tượng đó. Bác sỹ da liễu khi khám cho gia đình tôi đã kết luận nguyên nhân dị ứng là do sữa tắm giả”.
Các mặt hàng giầy dép, túi xách, ví tiền… thường bị làm giả, làm nhái dịp cuối năm. |
Phóng viên báo Tin Tức ghi nhận tại chợ Bình Tây (quận 6), Chợ An Đông (quận 5), chợ Tân Bình (quận Tân Bình) và được biết, loại sữa tắm nhãn hiệu White Care, Leivy ghi xuất xứ từ Malaysia nhưng sản xuất tại Việt Nam bày bán khá nhiều. Giá bán chỉ dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/chai, có đầy đủ mã vạch, tem phụ tiếng Việt nhưng không niêm yết giá bán. Trong khi đó, sản phẩm chính hãng của công ty TNHH SX & TM Nhân Lộc phân phối có giá niêm yết là 65.000 - 85.000 đồng/chai, tùy loại.
Ông Lê Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Nhân Lộc cho biết, hiện nay, có một nửa hàng mỹ phẩm của công ty bị làm giả, bày bán khắp các thị trường miền Tây, miền Trung, Đông Nam Bộ… “Sữa tắm giả hình thức giống hàng thật nhưng mùi hương lại khác do mùi hương của hàng thật được làm từ nước hoa cao cấp còn hàng giả sử dụng mùi hương từ hóa chất. Ngoài ra, trong thành phần sữa tắm thật, nước chiếm khoảng 70 - 80%, còn sữa tắm giả chứa 90% là nước nên rất loãng”, ông Lộc phân tích.
Quần áo, giày dép cũng là mặt hàng thường bị làm giả, làm nhái và được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Các DN trong ngành may mặc cho biết, quần áo bán ở chợ có cả các sản phẩm mang thương hiệu May 10, Việt Tiến, Nhà Bè... Các chủ cửa hàng đều nói là quần áo do Việt Nam sản xuất, nhưng nhìn thì biết đó là quần áo do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, do giá rẻ chỉ bằng một nửa so với hàng thật nên đa số mọi người cũng không để ý đến xuất xứ. Chị Trần Kim Lý, chủ một quầy hàng bán quần áo tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: “Khách hàng đến mua quần áo ở chỗ tôi, nếu thấy hàng bắt mắt, giá cả hợp lý thì mua thôi. Chả có ai hỏi quần áo này là hàng giả hay hàng thật”.
Với mặt hàng công nghệ cao như máy tính, tivi… thì công nghệ làm hàng giả càng tinh vi. Vì lo mua phải hàng giả nên anh Lê Minh Hoàng (quận 10) đã cất công tìm mua máy tính Casio với tem chống hàng giả. Sau một thời gian ngắn sử dụng, khi thực hiện các phép tính đơn giản, máy tính cho kết quả không chính xác và còn bị tắt nguồn. Ông Nguyễn Xuân Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex) (đơn vị phân phối độc quyền loại máy tính này), nhận định, anh Hoàng đã mua phải máy tính giả. “Hàng giả hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Nhìn bề ngoài, bản thân tôi cũng khó phân biệt được thật - giả. Phải sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mới có thể xác định được sản phẩm giả mạo”, ông Dũng bức xúc.
DN cũng khó ứng phó
Mất công bao năm gây dựng thương hiệu của riêng mình, các DN vô cùng bức xúc vì mất uy tín thương hiệu do nạn hàng giả, hàng nhái. Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đức Giang cho biết: “Hàng nhái do các cơ sở gia công sản xuất thường có chất lượng vải, nguyên phụ liệu kém hơn hẳn so với hàng thật. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng các đối tượng kinh doanh bất chính mua hàng Đức Giang rồi dán nhãn thương hiệu khác để bán giá cao hơn do hàng Đức Giang có mức giá thuộc loại trung bình”, ông Tùng cho biết.
Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) nhiều năm qua đã xây dựng được thương hiệu dây cáp điện Cadivi có tiếng trong ngành điện nhưng cũng phải đối mặt với mối nguy về hàng giả, hàng nhái. “Hàng giả tràn lan khiến thị phần hàng thật bị sụt giảm, đồng thời còn làm giảm uy tín công ty chúng tôi. Công ty chúng tôi thường bị nhái ở các sản phẩm dân dụng, chủ yếu theo phương thức dán nhãn mác giả. Những người thiếu kiến thức chuyên môn thì rất khó nhận biết”, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ.
Cùng hoạt động trong mảng thiết bị điện, ông Tăng Tuấn Cường, Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ Nam với sản phẩm chủ lực là dây cáp điện cũng cho biết: “Hàng giả rất tinh vi. Nếu nhìn qua, rất khó phân biệt bởi trên dây cáp giả đều in dòng chữ mang thương hiệu của công ty. Thậm chí dây cáp giả có màu đậm và bóng bẩy hơn sản phẩm thật”, ông Cường nói. Dù vậy, với hàng giả, chỉ cần dùng tay là có thể bóc tách được lớp nhựa bọc phía ngoài của sợi cáp. Điều nguy hiểm là dây cáp điện giả không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như độ chịu nhiệt… có thể gây nguy cơ giật điện, mất an toàn cho người sử dụng.
Bản thân DN đã phải có những giải pháp của riêng mình như áp dụng công nghệ mới trong thiết kế bao bì, sử dụng tem xác nhận hàng thật rồi nhắn tin mã trên tem qua tổng đài để xác nhận hàng thật. Tuy vậy, do các chiêu thức sản xuất khá tinh vi và nhận thức của người tiêu dùng cũng còn nhiều hạn chế nên nhiều loại hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống.
Hoàng - Tuyết - Hồng
Bài 2: Tăng chế tài xử lý vi phạm