Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển CNHT phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp này đang thiếu vốn đầu tư, ít lao động có chất lượng, khó vay vốn để đầu tư cho sản xuất… Tình trạng này đã dẫn đến hệ quả, sản phẩm làm ra hầu hết chất lượng còn thấp, giá thành cao và tính cạnh tranh thấp. Mặc dù tại TP Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp này chiếm đến 95% nhưng thời gian qua, do thiếu cơ chế chính sách phù hợp nên lĩnh vực CNHT vẫn chậm phát triển.
Dù được thành phố ưu ái nhưng nền CNHT của ngành cơ khí vẫn phát triển hết sức khiêm tốn. Ảnh: CTV |
Chỉ ra những tồn tại trong việc phát triển CNHT, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Với cơ cấu kinh tế như hiện nay, khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng sản xuất theo hướng gia công và xuất khẩu thô thì sẽ rất khó phát triển CNHT. Muốn ngành này phát triển cần phải xem xét lại vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó cần chú trọng hai vấn đề chính là xác định thị trường trước khi đầu tư và quản trị chất lượng, đảm bảo tính ổn định. Ngoài ra với lãi suất vay ngân hàng trung bình 5 - 6%/năm như hiện nay là cao hơn rất nhiều so với các nước, đây cũng chính là lực cản khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà đầu tư vào lĩnh vực CNHT”.
Đối với ngành cơ khí, một trong những ngành rất quan trọng trong CNHT, hiện cũng đang phát triển rất èo uột. Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh cho biết, dù được thành phố sớm ưu tiên kinh phí đầu tư nhưng đến nay ngành CNHT ngành cơ khí vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện hiệp hội có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất CNHT nhưng số doanh nghiệp làm ra sản phẩm CNHT có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân vẫn do thiếu những chính sách hỗ trợ đồng bộ bao gồm: lãi suất vay vốn, tiền sử dụng đất xây nhà xưởng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, giảm thuế VAT…
Ngành dệt may đang cấp thiết có nền CNHT mạnh để phát triển bền vững, giảm sự lệ thuộc từ bên ngoài. |
Tương tự, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, ngành dệt may, da giày trên địa bàn thành phố cũng đang đau đầu với vấn đề CNHT. Bởi vì, nền tảng phát triển CNHT của ngành vẫn còn yếu và thiếu. Đúng như “bức tranh” mà ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Khoảng 88% doanh nghiệp da giày là nhỏ và siêu nhỏ phân bố ngoài khu và cụm công nghiệp. Riêng ngành dệt may, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong này cũng chiếm tỷ lệ đến 90%. Quy mô doanh nghiệp ngành dệt may, da giày của thành phố nhìn chung là nhỏ lẻ, phân tán và manh mún, vì vậy, rất khó phát triển CNHT nếu thành phố không có các chính sách ưu đãi”. Nhiều chuyên gia trong ngành dệt may cho rằng, cần thành lập các cụm công nghiệp nguyên phụ liệu, giải quyết nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như: xi mạ trong sản xuất nút kim loại, những công đoạn của ngành may…
Tăng tốc thực hiện
Thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư và đẩy nhanh tiến độ phát triển CNHT trên địa bàn, ngay từ năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương cho các dự án CNHT trên địa bàn được hỗ trợ 100% lãi suất với thời gian không quá 7 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu. Số vốn vay của mỗi dự án được ngân sách hỗ trợ sẽ không quá 70% phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất sẽ không quá 100 tỷ đồng cho một dự án. Chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa yên tâm đầu tư, ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với khách hàng.
Sở Công Thương TP.HCM đã hoàn thành Đề án phát triển CNHT trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm gồm: Cơ khí, điện tử - viễn thông, cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, dệt may và da giày… Mục tiêu của đề án là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… sản xuất sản phẩm CNHT có nhu cầu mở xưởng sản xuất nhỏ thăm dò thị trường và môi trường đầu tư; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố phát triển CNHT. |
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã quyết định giai đoạn 2015 - 2020 sẽ dành 500 ha đất để thu hút các dự án đầu tư, phát triển tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, khu công nghiệp ô tô, và khu công nghệ cao. Song song đó, thành phố sẽ thí điểm xây 100.000 m2 diện tích sàn nhà xưởng cao tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong năm 2016 sẽ xây dựng nhà xưởng cao tầng tại Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Indira Gandhi (3,7 ha); xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may rộng 89 ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh…
Là người trực tiếp chỉ đạo chương trình phát triển CNHT của TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trước mắt, thông qua Trung tâm Phát triển CNHT, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với mức hỗ trợ 50 - 70% hoặc 100% lãi suất trong thời gian 5 - 7 năm để giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển CNHT. Sắp tới, ngân sách thành phố sẽ dành khoảng 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ bù lãi vay cho các dự án đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng cao tầng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu của thành phố trong 5 năm tới là sẽ phát triển CNHT để thúc đẩy phát triển công nghiệp của thành phố tăng bình quân 7%/năm”.