Ngành dệt may đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ một thị trường nước ngoài, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm đạt được các ưu đãi về thuế để tăng hiệu quả xuất khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới.Chủ động đầu tưTheo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sợi. Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Đồng Văn. Những doanh nghiệp khác như Công ty Dệt may Thành Công, Tổng công ty CP Phong Phú... cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may...
Ngành dệt may sẽ phát triển bền vững hơn nếu chủ động được nguồn nguyên liệu. |
Tổng công ty 28 cũng đã có phương án giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng việc đẩy mạnh liên kết với một đối tác của Nhật Bản - một nước cũng tham gia TPP để sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Theo đó, trong thời gian 10 năm tới, đối tác Nhật Bản sẽ cung cấp các thiết bị và cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho doanh nghiệp. Dự kiến công suất ban đầu sẽ là 5 triệu m vải/năm.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành đang tăng cường mở rộng năng lực, đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, liên kết giữa các khâu sản xuất sợi, vải và may để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Hiện Vinatex đang tiến hành đầu tư sản xuất vải dệt kim và dệt thoi, trong đó riêng trong 2 năm 2015 - 2016 sẽ tập trung đầu tư các khu sản xuất nguyên liệu tập trung tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
“Theo kế hoạch đến hết năm 2016 tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ sẽ tăng hơn 40%, vải dệt kim tăng gấp đôi, sợi các loại tăng thêm 25% so với hiện nay... Bắt đầu từ năm 2017, với tổng mức đầu tư ước gần 9.000 tỷ đồng, doanh nghiệp dệt may có thể chủ động sản xuất được trên 55% vải”, ông Trường cho hay.
Mở rộng ưu đãi chính sáchKhảo sát của ngành chức năng, nguồn bông trong nước hiện chỉ đáp ứng 1% nhu cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam không nhất thiết phải trồng bông để làm sợi mà điều quan trọng nhất là phát triển ngành dệt để cung cấp cho ngành may mặc. “Các hiệp định thương mại Việt Nam ký với các nước, đặc biệt là TPP thì điều kiện ưu đãi xuất khẩu không yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ bông mà chỉ từ sợi. Diện tích đất của chúng ta hiện không nhiều, nên nếu quy hoạch để trồng bông sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đây là vấn đề mang tầm chiến lược và Nhà nước phải có chính sách để phát triển”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Các doanh nghiệp cho rằng, trước mắt để giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế về địa lý để sử dụng nguyên liệu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á đang có chương trình liên minh dịch vụ trọn gói ASEAN, tạo điều kiện cho những nước có thế mạnh về nguyên liệu như Thái Lan... liên kết với Việt Nam, là nước có ngành may tốt để tạo chuỗi liên kết nâng cao giá trị. Xét về giá nguyên liệu dệt may từ các nước ASEAN khó cạnh tranh với Trung Quốc nhưng sức cạnh tranh bằng chất lượng lại cao hơn. Ngoài ra, với việc hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% trong khu vực ASEAN, chất lượng nguyên liệu cao hơn, doanh nghiệp dệt may sẽ có nhiều lợi thế hơn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Hiện nay, xơ sợi tổng hợp chiếm 50 - 60% nguyên liệu dệt may. Vì vậy, ngành dệt may vẫn phải giải bài toán nguyên liệu bằng việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài dự án sản xuất xơ sợi tổng hợp của liên doanh Petrolimex - Vinatex Đình Vũ, cả nước đang có khoảng 6 - 7 dự án sản xuất xơ sợi polyester, đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu xơ sợi tổng hợp cho ngành may mặc và sẽ vươn lên mức 100% nếu có chính sách phát triển tốt.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có tập trung cho ngành dệt may. Những chính sách ưu đãi này khi được đưa vào thực hiện sẽ là cú hích cho công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may phát triển. Các dự án này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ, dành quỹ đất và giá thuê đất thích hợp. Khi đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khâu xử lý rác thải môi trường... Riêng về tài chính, doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, được vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.