Kể từ thời điểm đập thủy điện Hòa Bình ngăn dòng đợt 2 (năm 1986) đến nay, đã tạo cho các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Phù Yên có diện tích mặt nước lên tới 3.076 ha. Nhờ vào lợi thế này, cư dân sống ven lòng hồ phát triển nghề đánh bắt thủy sản, tạo thêm sinh kế cho gia đình.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, khi mà vật liệu xây dựng các lồng cá nổi trên mặt nước trên thị trường dồi dào, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã Tân Phong, Bắc Phong, Tường Phong, Tường Tiến, Tường Hạ, Nam Phong đã chuyển sang nghề nuôi cá lồng.
Gia đình anh Lường Văn Đức ở bản Hạ Lương, xã Tường Phong bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012 đến nay. Ban đầu chỉ nuôi tăng gia phục vụ nhu cầu gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô. Đến nay, anh đã có 6 lồng cá, nuôi khoảng 10 nghìn con cá giống gồm cá lăng, trắm cỏ, rô phi, mè. Cá được nuôi bằng thức ăn tận dụng từ các sản phẩm phụ địa phương như cỏ voi, lá chuối, ngô, sản. Do đó, thịt cá chắc, thơm nên được các thương lái nhiều nơi tìm đến để thu mua, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Nhưng từ năm 2019 đến nay, hàng năm từ tháng 2 đến tháng 6 mực nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình xuống thấp nên anh thường xuyên phải di chuyển lồng cá sang khu vực nước sâu hơn. Không những thế, từ tháng 7 khi mưa lũ về kéo theo bùn đất dẫn đến lượng oxy trong nước giảm làm cho cá chết đột ngột, gây thiệt hại lớn đến kinh tế gia đình.
Anh Lường Văn Đức bộc bạch, hiện nay nuôi cá lồng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng việc nuôi cá phụ thuộc vào nguồn nước nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Do có nhiều loại cá thời gian nuôi kéo dài khoảng 2 năm mới đạt trọng lượng, còn nếu nuôi các loại cá ngắn ngày thì giá không cao. Hiện nay, độ sâu mực nước ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình tại vị trí nuôi cá của gia đình anh chỉ còn 7 m, còn trước đây khi nước chưa hạ xuống đạt từ 15-20 m.
Xã Tường Phong có tổng diện tích tự nhiên hơn 52 km2, tuy nhiên hầu hết diện tích đất nông nghiệp là đồi núi dốc, mưa lũ làm xói mòn, đất bạc màu canh tác khó khăn. Chính vì vậy, nghề nuôi cá lồng được xã đặc biệt quan tâm, đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện nay, xã Tường Phong có 219 lồng cá đang nuôi, sản lượng cá khoảng 220 tấn. Trước tình hình mực nước lòng hồ rút suống thấp và nhanh, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hộ dân, hợp tác xã gia cố lồng bè, neo đậu ở những vị trí nước còn sâu để giảm thiệt hại.
Ông Cầm Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Phong cho biết, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết phát triển nghề nuôi cá lồng riêng cho 3 bản, bởi đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Trước thực trạng nguồn nước lòng hồ không ổn định, xã sẽ hướng dẫn cho bà con chuyển đổi cơ cấu giống nuôi. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các khu nuôi ươm để cá đạt trọng lượng nhất định rồi mới nuôi tại lồng nhằm hạn chế thiệt hại.
Còn tại xã Tường Hạ, trước đây với hàng chục lồng cá nuôi ổn định trên mặt hồ đã giúp cho bà con có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Nhưng do mực nước không ổn định và có xu hướng giảm mạnh, giảm nhanh trong 2 - 3 năm trở lại đây đã ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng của bà con. Hàng năm, số hộ và số lượng lồng nuôi đều giảm. Từ 28 lồng cá năm 2020 đến tháng 5/2021 giảm xuống chỉ còn 14 lồng.
Từng có thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi cá lồng, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi cá gần 10 năm qua nhưng anh Lò Quang Huy, bản Khảo, xã Tường Hạ cũng không tránh khỏi những thiệt hại từ sự biến động thất thường mực nước của lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Năm 2018, gia đình anh Huy mất trắng hơn 70 triệu đồng từ nuôi cá. Trong 2 năm trở lại đây, anh đã giảm lượng đàn và thay đổi 1 số giống cá để thích nghi với môi trường nước theo mùa, ứng phó với những bất lợi từ sự thay đổi mực nước.
Anh Lò Quang Huy cho biết, với tình hình như hiện nay thì bắt buộc anh phải theo dõi thường xuyên, nước xuống đến đâu thì đẩy lồng cá theo đến đó, nếu không kịp thời sẽ bị thiệt hại. Với phương án chuyển đổi sang sản xuất loại hình khách cũng khó khăn vì tất cả vốn của gia đình anh đã dồn hết vào nuôi cá lồng.
Huyện Phù Yên hiện có hơn 3.350 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế này, gần 10 năm trở lại đây, các xã vùng lòng hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Trên thực tế, có nhiều mô hình nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần mang giảm bớt khó khăn cho cư dân sống ven lòng hồ, vốn diện dích đất canh tác da phần có độ dốc cao, bạc màu. Tuy nhiên, với tình hình nguồn nước không ổn định như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi cá.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phù Yên cho biết, phát triển nghề nuôi cá lồng là một trong những chủ trương trong phát triển kinh tế vùng lòng hồ theo Nghị quyết phát triển các tiểu vùng của Đảng bộ huyện Phù Yên nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện nay, toàn huyện có 600 lồng cá, mục tiêu đến 2025 đạt 800 lồng cá. Tuy nhiện, việc nuôi cá lồng hiện gặp khó khăn do mực nước không ổn định nên thời gian nuôi ngắn chỉ từ 6-7 tháng dẫn đến sản lượng thấp. Ngoài ra, khi nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình rút thì ngành nông nghiệp không nhận được thông tin trước, dẫn đến bị động trong việc thông báo để người dân di chuyển, thu hoạch cá.
Ngành nông nghiệp huyện Phù Yên kiến nghị các sở ngành, đơn vị liên quan trong trường hợp xả lũ thì có thông báo đến chính quyền địa phương để giảm thiệt hại cho người nuôi cá.