Đến nay, vụ sản xuất mía 2019-2020, nông dân huyện Trà Cú chỉ mới xuống giống được hơn 1.900 ha, giảm 800 ha so với thời điểm này năm trước.
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, những năm trước, vùng mía nguyên liệu Trà Cú luôn sản xuất ổn định với diện tích hơn 4.000 ha, chiếm khoảng 80% diện tích trồng mía toàn tỉnh. Nhưng niên vụ mía 2018-2019, nông dân xuống giống hơn 3.500 ha, giảm khoảng 600 ha so với niên vụ trước. Dự kiến niên vụ 2019-2020, diện tích vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú tiếp tục giảm khoảng 800 ha. Hiện nay, hàng trăm hộ trồng mía ở địa phương không tái vụ.
Theo ông Lê Hồng Phúc, chủ trương của huyện là không để người dân bỏ đất hoang nên ngành nông nghiệp huyện tích cực vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hoặc đào ao nuôi thuỷ sản theo định hướng quy hoạch của huyện, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là việc người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất tự phát phá vỡ quy hoạch; trong khi hạ tầng điện, thủy lợi ở địa phương chưa được đầu tư đồng bộ nên không đáp ứng được việc chuyển đổi của người dân. Cùng với đó là những tác động xấu do ảnh hưởng môi trường, nguy cơ dịch bệnh, sản xuất cung vượt cầu khiến giá cả xuống thấp…
Hiện nay, huyện đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay...
Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho từng loại cây trồng chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho người sản xuất.
Niên vụ mía 2018 - 2019, tỉnh Trà Vinh trồng hơn 4.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú, Tiểu Cần. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 90% diện tích, với năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía ở Trà Vinh bị thua lỗ do giá bán, năng suất và chữ đường đều giảm; bình quân mỗi héc ta mía, người trồng lỗ khoảng 40 triệu đồng.