Do đó, Hội nghị RCEP lần thứ 10 do Bộ Công Thương chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) như một sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia thành viên và sáu quốc gia đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - đều đã có các hiệp định thương mại tự do độc lập với ASEAN.
Việc cùng tham gia RCEP sẽ thúc đẩy thương mại trong toàn nhóm bằng cách giảm thuế, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan và mở rộng tiếp cận thị trường, nhất là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại hiện có.
Chia sẻ về quá trình đàm phán RCEP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây có thể nói là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp.
Ngay từ trước khi bắt đầu đàm phán, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Trong các đối tác tham gia đàm phán, có những đối tác đã ký kết hiệp định FTA với nhau, nghĩa là đã cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho nhau ở mức độ nhất định.
Chẳng hạn, ASEAN đã ký kết các FTA với từng đối tác trong số 6 đối tác này, nhưng cũng có nhiều nước chưa ký kết FTA với nhau như Ấn Độ với Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản với Hàn Quốc. Vì vậy, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó.
Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt, ngay các nước ASEAN cũng có trình độ phát triển khác nhau, chính sách khác nhau về các lĩnh vực đàm phán như: chính sách cạnh tranh, đầu tư, sở hữu trí tuệ.
Do vậy, trong quá trình đàm phán, các bên luôn phải tìm các giải pháp xử lý vướng mắc; đồng thời, hài hòa được lợi ích giữa các bên.
Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.
Đặc biệt, qua đó sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế của các nước ASEAN phát triển; trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.
Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc đàm phán thành công sẽ góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.
Riêng với Việt Nam, việc kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, tuy Hiệp định RCEP mang đến cơ hội tiếp cận quy mô thị trường lớn hơn nhưng có khả năng tạo ra hiệu ứng bất lợi cho xuất khẩu của ASEAN.
Một trong những công cụ chính sách thương mại quan trọng của hiệp định này là loại bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa các thành viên. Bởi thông thường, việc loại bỏ thuế quan dự kiến sẽ tăng xuất khẩu nhưng trong bối cảnh ASEAN, việc loại bỏ thuế quan theo RCEP sẽ khiến các nhà xuất khẩu trong ASEAN có thể phải đối mặt với nhu cầu thấp hơn đối với hàng hóa tại các thị trường mà các đối tác đối thoại dành ưu đãi theo FTA ASEAN + 1.
Dự kiến được ký trong năm 2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định khu vực nhằm tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế tại các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần giải quyết các vấn đề như hàng rào phi thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và kích thích sự đổi mới của các doanh nghiệp ASEAN; trong đó có Việt Nam để mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu phát triển.