Theo đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, từ đầu tháng 7/2021, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu trải qua những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đợt giãn cách mới nhất của TP Hồ Chí Minh kéo dài đến ngày 15/9 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trú đóng tại các địa phương này.
Kể từ ngày 23/8/2021, TP Hồ Chí Minh thay đổi toàn bộ giấy đi đường cũ bằng giấy đi đường do Công an TP Hồ Chí Minh cấp và có giới hạn số lượng phương tiện, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Theo Công văn 2796/UBND-VX và Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/08/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông; trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động theo thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vị hoạt động giao Sở Công Thương quyết định từng trường hợp cụ thể. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các Hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công Thương.
Vào ngày 24/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 3996/SCT-QLCN về việc phân công cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23/8 đến 6/9 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Công Thương chỉ cấp Giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp), UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu (thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” nêu tại mục 12 Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX). Điều này đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D nhưng đến hiện tại các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách, phía đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ.
Chính vì vậy, các Hiệp hội ngành hàng sản xuất và chế biến nông sản Việt Nam đã cùng thống nhất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương liên quan một số vấn đề. Đó là có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến trụ sở Sở Công Thương đóng dấu.
Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội có nhu cầu xin cấp Giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công Thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp Giấy đi đường. Đối với các doanh nghiệp không phải là Hội viên của Hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin Giấy đi đường tại Sở Công Thương và địa phương.