Mặc dù, còn hơn 3 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch nhãn chính vụ, nhưng hiện nay, một số vườn nhãn ở xã Hòa Hiệp đã bắt đầu cho thu hoạch. Đây là những vườn nhãn được nông dân xử lý cho ra hoa sớm. Việc áp dụng thành công các kỹ thuật cho nhãn chín sớm, nhiều nhà vườn trồng nhãn ở xã Hòa Hiệp đã có thể chủ động lựa chọn thời điểm ra hoa, đậu quả thích hợp. Phương pháp này không chỉ giúp tăng năng suất, giảm rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch nhãn mà còn đem lại hiệu quả kinh tế rất ca
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng nhãn xuồng cơm vàng, ông Lê Văn Tường, ở ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp đã có gần 5 năm áp dụng kỹ thuật xử lý nhãn chín sớm. Ông Tường hiện đang canh tác 2,4ha nhãn; trong đó khoảng 1,4ha xử lý chín sớm.
Theo ông Tường, nhãn xử lý chín sớm cho năng suất khá cao, chỉ cần cung cấp đầy đủ nước tưới là chất lượng không hề thua kém so với nhãn chính vụ. Do xử lý nhãn sớm vào thời điểm mùa khô nên nguồn nước tưới tự nhiên sẽ không đảm bảo cho cây nhãn ra hoa, đậu quả cao, chính vì vậy, ông đã chủ động đầu tư 5 giếng khoan và lắp hệ thống tưới tự động. Nhờ vậy, cây nhãn ra hoa, đậu quả cao.
Trung bình 1,4ha nhãn sớm cho thu hoạch gần 10 tấn trái. Với giá bán từ 60.000 – 65.000 đồng/kg tại vườn - cao hơn nhãn chính vụ 15.000-20.000 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 300 triệu đồng, tăng hơn 1,5 lần so với thời điểm chính vụ.
Ông Lê Văn Tường, nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc chia sẻ: Nhãn làm trái vụ không bị cạnh tranh nhiều, nhãn cho thu hoạch sớm thì nông dân sẽ bán giá cao hơn so với chính vụ, nhờ vậy tăng thêm thu nhập cho người trồng.
Do tranh thủ được nguồn nước tưới sớm hơn nên vườn nhãn Thái Ido của gia đình anh Nguyễn Quang Hiểu, ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp đã bắt đầu cho thu hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên vườn nhãn của anh Hiểu cho trái và được áp dụng kỹ thuật chín sớm, kết quả ngoài sự mong đợi.
Nhãn sai trái, quả to, mọng và ngọt. Ước vụ này anh Hiểu thu hoạch khoảng 17 tấn, với giá bán 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 200 triệu đồng.
Để có được kết quả này, anh Hiểu cũng đã đầu tư 13 giếng khoan, 2 hồ chứa nước và hệ thống béc tưới tự động, giúp cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho cây nhãn.
Anh Nguyễn Quang Hiểu, nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc chia sẻ: Làm nhãn trái vụ quan trọng nhất vẫn là phải có nguồn nước dự trù dồi dào, do lúc xử lý nhãn ra hoa rơi vào đúng vào thời điểm mùa khô. Làm nhãn trái vụ có ưu thế là không đụng nhãn chính vụ nên người trồng bán thuận lợi hơn, trái cây thời điểm này chưa nhiều nên đầu ra dễ dàng hơn thương lái không ép giá.
Theo thống kê, toàn xã Hòa Hiệp có khoảng 50ha nhãn áp dụng kỹ thuật xử lý sớm, hầu hết là nhãn xuồng cơm vàng và nhãn Thái Ido, chiếm 50% diện trồng nhãn của địa phương.
Để nhãn ra hoa, đậu quả sớm thì ngay sau khi thu hoạch đã phải tiến hành tuyển chọn những cây nhãn thích hợp và có biện pháp chăm bón riêng. Việc chăm bón trong giai đoạn này sẽ quyết định độ bền của cây, chất lượng của quả sau này.
Những cây nhãn được lựa chọn phải là những cây khỏe mạnh, tươi tốt nhất. Sau khi tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước đầy đủ phải lựa thời tiết thuận lợi để tưới dung dịch kích cho cây bật chồi, ra hoa. Vì ra trái mùa nên nhãn có nguy cơ mắc nhiều loại sâu bệnh, mặt khác chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết như: mưa, rét, sương muối... vì thế nông dân phải linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa để đạt hiệu quả cao nhất.
Với cách làm này, từ đầu tháng 4 dương lịch, nông dân đã có nhãn sớm để xuất bán. Nhãn chín sớm có giá bán khoảng 60.000-65.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng; 30.000 đồng/kg nhãn Thái Ido; giá bán này cao hơn từ 1-1,5 lần so với thời điểm chính vụ. Chính vì vậy, thu nhập của nông dân cũng ổn định và tăng hơn so với thời điểm chính vụ.
Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết: Thời gian qua, để đầu ra của cây nhãn thuận lợi hơn bà con nông dân đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên việc xử lý nhãn ra hoa sớm đã rất thành công, năng suất cao, giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, bà con cũng yên tâm hơn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nhãn chín sớm – trái vụ nên hầu hết đều được thương lái thu mua hết. Với giá bán như hiện tại cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật xử lý sớm đã đem lại thành công rõ rệt. Nhờ chủ động thời điểm ra hoa, đậu trái nên việc "được mùa, rớt giá" đối với cây nhãn cũng từng bước được xóa bỏ, giúp cây nhãn ngày càng khẳng định được vị thế cây trồng chủ lực tại địa phương.