Hội nghị GMS6-CLV10: Phát triển cơ sở hạ tầng, vai trò then chốt để tăng trưởng

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10), chiều 30/3, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Thượng đỉnh GMS6 đã có phiên thảo luận chuyên đề: “Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng”.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại phiên thảo luận "Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng". Ảnh: TTXVN

Phát triển hạ tầng giao thông phù hợp

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia đang phát phát triển, trong đó có Việt Nam và một số thành viên GMS. Ở Việt Nam với quan điểm “Cơ sở hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Chính phủ đã dành một mức đầu tư cao cho phát triển cơ sở hạ tầng; khoảng 9 – 10% GDP hàng năm đã được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh…

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Hiện toàn quốc mới có 765 km đường bộ cao tốc đã hoàn thành và đi vào khai thác (tính đến 2016). Hệ thống đường sắt chủ yếu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, tới nay đã hơn 100 năm rất lạc hậu và có thị phần vận tải rất thấp. Về hàng không, toàn quốc có 21 sân bay đang được khai thác, trong đó có 8 sân bay quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các sân bay có quy mô còn hạn chế, chưa sân bay nào đạt tiêu chuẩn đầu mối khu vực.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể  cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc. Theo đó, từ nay đến 2020, sẽ hoàn thành thi công 654 km/ khoảng 1.300 km đường cao tốc Bắc – Nam theo hình thức hợp tác công –tư (PPP), trong đó Nhà nước tham gia đóng góp khoảng 40% tổng mức đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và đường sắt xuyên Á; xây dựng hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa; nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực; phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại; tiếp tục đầu tư các tuyến đầu mối đô thị lớn như các tuyến vành đai 2, vành đai 3 Hà Nội và vành đai 2, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, những nhóm giải pháp chính được đưa ra nhằm cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác khu vực

Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận "Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng". Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã chia sẻ về nguồn kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã có sáng kiến về thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng cũng như các nỗ lực khác nhằm cải thiện tính kết nối ở khu vực sông Mekong. Theo Đại sứ Umeda Kunio, khuôn khổ hợp tác giữa khu vực Mekong và Nhật Bản được thiết lập từ Cuộc họp Thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản năm 2009. Với tư cách là đối tác của khu vực Mekong, Nhật Bản đã cung cấp, hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy đầu tư và thương mại. Những nỗ lực này đã được hiện thực hóa thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Đại sứ Umeda Kunio cho rằng, cơ sở hạ tầng thiếu chất lượng sẽ không chỉ làm hạn chế phát triển bền vững mà còn có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng. Ngược lại, cơ sở hạ tầng chất lượng cao bao gồm những chuẩn mực cao, chi phí môi trường thấp sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế, sức bền trong suốt dòng đời của cơ sở hạ tầng; tạo ra việc làm, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ cũng như hiểu biết về phương thức cho các cộng đồng địa phương. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng chất lượng cao cũng giải quyết ảnh hưởng về xã hội cũng như môi trường. Cơ sở hạ tầng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trong đó tính đến hiệu quả về tài chính của các nước được tiếp nhận, thúc đẩy, huy động nguồn lực hiệu quả cũng như tính mở cửa và minh bạch.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, sự hỗ trợ của Nhật Bản không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như đường cao tốc, cầu, cống. Đại sứ cho rằng, điều quan trọng là phải thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện để duy trì các hệ thống này, phát triển các khu vực dọc hành lang kinh tế, tạo ra phát triển bền vững. Đại sứ tin tưởng, việc tạo ra sự kết nối năng động như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khu vực Mekong. Nhật Bản cảm kết sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các quốc gia sông Mekong, nỗ lực tạo ra động lực mới để thúc đẩy hợp tác khu vực.

Các đại biểu dự Phiên thảo luận nhất trí cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trước nhu cầu to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước GMS, việc xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cơ sở hạ tầng là rất cấp bách.

Một số đại biểu đã nêu ý kiến về vai trò của Chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng; việc khai thác hiệu quả tối đã tài sản công đối với mỗi quốc gia; cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng; đổi mới đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng.

Thu Phương (TTXVN)
Hội nghị GMS6 - CLV10: Doanh nghiệp khu vực GMS chia sẻ tầm nhìn phát triển, cơ hội kết nối
Hội nghị GMS6 - CLV10: Doanh nghiệp khu vực GMS chia sẻ tầm nhìn phát triển, cơ hội kết nối

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong (Mê Công) mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29 - 31/3/2018 tại Hà Nội, sáng 30/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng Kinh doanh GMS tổ chức Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN