Sáng 12/11, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật ngân sách năm 2013, trong đó bao gồm cả các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm đạt được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro mà các định chế tài chính quốc tế dành cho nước này.
Theo kết quả cuộc biểu quyết được truyền hình trực tiếp, 167 trong số 299 nghị sĩ có mặt tại quốc hội gồm 300 thành viên đã ủng hộ ngân sách 2013.
Phiên họp Quốc hội trong cuộc thảo luận về ngân sách tại Athens ngày 11/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với đợt cắt giảm chi tiêu mới lên tới 13,5 tỷ euro (17,1 tỷ USD) trong hai năm 2013-2014, Athens hy vọng sẽ nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro (40 tỷ USD) trong gói cứu trợ của nhóm "bộ ba" gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dành cho nước này. Đây là gói biện pháp kinh tế khắc khổ thứ ba mà Hy Lạp phải áp dụng kể từ năm 2010.
Việc Quốc hội Hy Lạp thông qua ngân sách 2013 với gói các biện pháp khắc khổ mới đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực của chính phủ liên minh, vốn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh việc đáp ứng yêu cầu của nhóm "bộ ba" chủ nợ. Những tranh cãi liên quan đến các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" thậm chí còn khiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Antonis Samaras phải hứng chịu nhiều áp lực có lúc tưởng chừng không thể nhận được gói cứu trợ tiếp theo.
Trong khi đó, ngày 11/11, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Athens để phản đối luật ngân sách 2013. Cảnh sát ước tính khoảng 15.000 người đã tham gia vào 2 nhóm tuần hành tiến về thủ đô.
Theo các nhà quan sát, nếu không nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro từ quốc tế, Hy Lạp có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này do không còn tiền thanh toán một số khoản nợ sắp đáo hạn.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone), ngày 11/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình Bồ Đào Nha một ngày trước chuyến thăm Lisbon nhằm thảo luận về tình hình kinh tế khu vực, cho biết Bồ Đào Nha đã đáp ứng được tất cả các cam kết đối với nhóm chủ nợ để có thể nhận được gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro.
Đề cập đến khả năng quốc gia thành viên Eurozone cần gói cứu trợ mới, bà Merkel cho rằng Bồ Đào Nha không cần đến gói cứu trợ mới, khẳng định nước này sẽ thực hiện tốt chương trình cải cách cho dù mất nhiều thời gian.
Bồ Đào Nha đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong vòng 40 năm qua với mức tăng trưởng dự báo sẽ giảm 3% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất - trên 15% và thậm chí còn cao hơn nữa trong năm 2013.
TTXVN/Tin tức