Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự án được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công xây dựng từ năm 2016.
Sau 5 năm triển khai xây dựng, thay đổi từ 2 làn xe đến 4 làn xe đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1, đảm bảo các điều kiện để thông xe, cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông, trừ mô tô, xe gắn máy. Các phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 80 trước đây vẫn lưu thông bình thường.
Dự án có chiều dài 51 km, điểm đầu dự án kết nối với đường dẫn cầu Vàm Cống, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) và điểm cuối kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, rộng 17 m, có dải phân cách cứng; tiêu chuẩn hình học phù hợp với quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 50 phút so với hiện nay là 1 giờ 30 phút. Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực Tây Nam bộ nói chung và những tỉnh có tuyến đi ngang nói riêng. Ngoài ra, dự án khi đưa vào khai thác sẽ thực hiện tốt vai trò cầu nối các tỉnh với trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long và gia tăng hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Việt Nam với Campuchia và Thái Lan.
Bên cạnh đó, dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch, như Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hình thành nên mạng lưới cao tốc hiện đại, đồng bộ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm tiền đề phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, tuyến còn giữ vai trò kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) để tạo thành trục dọc nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam bộ trong tương lai.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến đường bộ cao tốc, có mức đầu tư quy mô lớn đầu tiên đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang; là tuyến huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của Tổ quốc; cùng với quốc lộ 80 kết nối trung tâm tỉnh Kiên Giang với các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, trực tiếp là kết nối với tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.
Đồng thời khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ tạo thành trục vận tải trọng yếu, liên kết các trung tâm kinh tế quan trọng, rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển từ tỉnh Kiên Giang đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Dự án hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam bộ góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam bộ và của đất nước.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước với những điều kiện tự nhiên và tiềm năng vô cùng thuận lợi; là vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như của thế giới. Để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, thịnh vượng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng tốt với những tác động tiêu cực biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Về lâu dài, tuyến đường này kết nối khu vực phía Tây của đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành tuyến trục thứ hai song song với quốc lộ 1, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh có dự án đi qua nói riêng và các tỉnh khu vực sông Mekong nói chung.