Tại huyện Mường La, Đoàn đã khảo sát thực địa công trường dự án thủy điện Chiềng Muôn (xã Chiềng Muôn) và làm việc với lãnh đạo huyện Mường La về tình hình đầu tư các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn.
Báo cáo với Đoàn, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Huyện Mường La hiện có 19 dự án thủy điện vừa và nhỏ, trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành phát điện, 4 dự án đang thi công và 1 dự án đang chuẩn bị công tác đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ là 464,2 ha. Các nhà máy thủy điện khi đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, xây dựng, các nhà máy thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Huyện Mường La đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh Sơn La yêu cầu các chủ đầu tư kịp thời khắc phục những tồn tại và làm tốt công tác phối hợp với địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Cùng với đó, các chủ đầu tư nhà máy thủy điện cần lắp thêm còi báo hiệu khi phát điện và khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho nhân dân; nghiêm chỉnh chấp hành quy trình vận hành nhà máy đã được phê duyệt và quản lý tốt diện tích đất được giao...
Tại huyện Thuận Châu, Đoàn đã khảo sát thực địa tại công trình thủy điện Chiềng Ngàm Thượng (xã Chiềng Ngàm) và làm việc với các cấp chính quyền huyện Thuận Châu cũng như doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Theo ông Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu: Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu có 3 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, 1 dự án đang thi công và 6 dự án đang thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Sơn La. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn huyện tính đến ngày 30/7/2019 là 94,47 ha của 440 hộ gia đình, cá nhân.
Đến năm 2018, tổng sản lượng điện của 3 nhà máy thủy điện nhỏ đang vận hành phát điện trên địa bàn cung cấp vào lưới điện quốc gia là 70 triệu KWh, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 60 tỷ đồng thông qua thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, việc vận hành, các nhà máy thủy điện chỉ chú trọng đến phát điện gây ra thiếu nước cho vùng hạ du vào mùa khô, làm ảnh hưởng đến sản xuất bình thường của người dân...
Huyện Thuận Châu kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa cũng như quản lý an toàn đập; đồng thời, tiếp tục xem xét bổ sung, điều chỉnh các nghị định, thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững. Tỉnh Sơn La sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó đảm bảo rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, huyện, thành phố...
Đối với huyện Yên Châu, Đoàn đã khảo sát thực địa tại các công trình thủy điện To Buông (xã Tú Nang) và Sập Việt (xã Sặt Vạt); làm việc với lãnh đạo huyện Yên Châu và các xã liên quan đến thủy điện, cùng doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu Lù Văn Cường, huyện Yên Châu hiện có 3 nhà máy thủy điện đã hoàn thành xây dựng, đang vận hành khai thác với tổng công suất 33,5 MW. Tổng số đất đã thu hồi để thực hiện các dự án thủy điện hơn 116 ha. Các dự án thủy điện đi vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; giải quyết việc làm cho 47 lao động, trong đó có 26 lao động địa phương...
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây mất cân bằng hệ sinh thái vùng hạ du đập. Trong quá trình thi công, các phương tiện giao thông trọng tải lớn lưu thông làm giảm chất lượng các tuyến đường...
Qua khảo sát thực địa các công trình thủy điện và làm việc với các huyện Mường La, Thuận Châu, Yên Châu cũng như các doanh nghiệp đầu tư, ông Quàng Văn Hương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao những đóng góp của các nhà máy thủy điện góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và giải quyết phần nào việc làm cho lao động địa phương.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, xã và các chủ đầu tư thủy điện cần phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo sinh kế trước mắt cũng như lâu dài cho người dân vùng bị ảnh hưởng, xây dựng phương án phát triển lâm nghiệp bền vững vùng thủy điện; quan tâm việc bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng thời gian xả nước, đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ du; khắc phục hệ thống đường giao thông và hạ tầng cơ sở cho người dân.
Đối với các dự án thủy điện đang đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư cần quan tâm đến việc đánh giá tác động của môi trường, xử lý chất thải, vật liệu thải từ công trình; khắc phục hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà máy; trồng bù rừng...