Anh Lê Văn Sang đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu vỏ thép để làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
|
Với sự táo bạo của mình, anh đang sở hữu những con tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung chuyên cung cấp nhiên liệu, đá ướp lạnh và thu mua thủy hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Những năm trở lại đây, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực miền Trung đã quen thuộc hình ảnh những chiếc tàu hậu cần của anh Lê Văn Sang đi khắp các ngư trường để cung cấp dầu, đá và thu mua hải sản của ngư dân mỗi chuyến ra khơi.
Nghề biển đến với anh Sang như một cơ duyên. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị khách sạn, chàng trai Lê Văn Sang đã làm đủ nghề để kiếm sống để bám trụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không có ý định về quê theo nghề biển truyền thống của gia đình.
Tuy nhiên, chuyến đi biển cùng ba năm 2010 đã khiến anh Sang thay đổi ý định. Anh quyết tâm trở về quê hương làm giàu trên những con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Anh Sang tâm sự, sau chuyến đi biển cùng ba, anh nhận thấy nguồn lợi hải sản bị mất quá nhiều do ngư dân thiếu dầu và đá ướp lạnh cho những chuyến biển dài ngày.
Trong khi đó, tàu hậu cần nghề cá như "chợ di động" trên biển chuyên cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu kịp thời cho các tàu đánh bắt dài ngày, đồng thời rút ngắn thời gian trở về đất liền bán hải sản và nạp nhiên liệu của ngư dân nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, anh đã quyết định làm dịch vụ hậu cần nghề cá bằng những con tàu vỏ gỗ.
Sau chuyến đi biển đó, anh Sang đã đi học khóa đào tạo thuyền trưởng và được ba giao cho tiếp quản con tàu vỏ gỗ công suất 320 CV chuyên làm dịch vụ hậu cần cho các tàu cá đánh bắt gần bờ. Sau nhiều chuyến đi biển, anh Sang nhận thấy, tàu hậu cần nghề cá của gia đình vẫn không đáp ứng được nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá của những tàu khai thác xa bờ.
Vì vậy, anh đã nâng cấp tàu của mình lên hơn 500 CV và mua thêm một tàu hậu cần khác tạo thành một tổ dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2012, anh Sang tiếp tục đóng thêm một chiếc tàu vỏ gỗ với công suất gần 1.300 CV.
Sau khi thành công với những chiếc tàu hậu cần vỏ gỗ, để nâng cao hiệu quả khai thác và giá trị sản phẩm, tháng 7/2014, con tàu vỏ thép mang tên "Sang Fish 01" được đóng theo Quyết định 1787 của Chính phủ (theo chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ) đã được hạ thủy.
Thời điểm đó, "Sang Fish 01" là con tàu vỏ thép hậu cần lớn nhất miền Trung, với công suất 750 CV, tàu dài 26 m, rộng 7,5 m, với trị giá khoảng 12 tỷ đồng chuyên vận chuyển xăng dầu, đá và lương thực ra khơi cung cấp cho ngư dân, đồng thời thu mua hải của của ngư dân để trở về đất liền.
Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm đi vào hoạt động, anh Sang đã quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) bởi từ khi hạ thủy con tàu vỏ thép này thường xuyên bị hỏng.
Theo anh Sang, khi tàu Sang Fish 01 hạ thủy, thời điểm bàn giao vào mùa hè, tàu chạy bình thường nhưng vào mùa đông, gió cấp 6 - 7 khiến tàu lắc mạnh, thường xuyên bị gãy tời, không thể cung cấp nguyên liệu và thu mua hải sản của ngư dân. Do vậy, anh đã quyết định trả lại công ty.
Mặc dù không thành công trên con tàu vỏ thép đầu tiên, nhưng với anh Sang đây là một sự “trải nghiệm”cho quá trình chuẩn bị những con tàu vỏ thép lớn tiếp theo của mình. Để tiếp tục ước mơ hiện thực hóa những con tàu vỏ thép "khủng" trở thành "nội trợ" cung cấp nguyên liệu và thu mua những hải sản chất lượng của ngư dân để mang về bờ.
Tàu vỏ thép mang số hiệu ĐNa 90678 TS, với công suất 814 CV, trị giá 21 tỷ đồng.
|
Năm 2016, anh Sang đã tự mày mò thiết kế con tàu vỏ thép mang tên "Sang Fish 05" theo Nghị định 67 của Chính phủ. Sau 1 năm đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tàu Sang Fish 05 đã được đưa về Đà Nẵng. Tàu có chiều dài 25 m, rộng 7,5 m, với công suất 814 CV, trị giá 21 tỷ đồng.
Dự kiến, đầu tháng 4/2017, tàu "Sang Fish 05" sẽ đi chuyến biển đầu tiên để cung cấp nhiên liệu, thu mua thủy hải sản của ngư dân, đồng thời khai thác nghề câu lươn biển . Với những kinh nghiệm rút ra từ thất bại con tàu "Sang Fish 01", anh Sang tin tưởng con tàu “Sang Fish 05” sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, anh Sang đã đóng thêm hai con tàu vỏ gỗ với công suất lần lượt là 420 CV và 430 CV để cung cấp nhu yếu phẩm và thu mua hải sản của ngư dân.
Không dừng lại ở đó, từ sự lớn mạnh của tổ dịch vụ hậu cần nghề cá, năm 2015 anh Lê Văn Sang đã thành lập Hợp tác xã hậu cần và khai thác nghề cá Hải Nhi.
Đến nay, Hợp tác xã có 8 tàu khai thác đánh bắt xa bờ, 8 tàu dịch vụ hậu cần, xe ô tô chuyên dụng, có hệ thống đại lý trong và ngoài thành phố tiêu thụ hải sản với sản lượng từ 800-900 tấn hải sản/tháng cho tổ tàu khai thác và các tàu của ngư dân, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6- 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Lại, Tổng Thư ký Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng đánh giá, anh Lê Văn Sang là một ngư dân trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Những con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được nhiên liệu do không phải đưa phương tiện vào bờ để tiếp nhiên liệu vừa tăng số ngày bám biển trong mỗi chuyến ra khơi. Ngoài ra, những con tàu đó còn thu mua sản lượng hải sản lớn, có chất lượng cao, giúp nhiều người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Với những đóng góp đó, năm 2014, anh Lê Văn Sang được Trung ương Đoàn Thanh trao Giải thưởng 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng danh hiệu Top 10 Thương hiệu chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam năm 2013.
Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, anh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, đóng mới tàu hậu cần nghề cá, tổ chức liên kết với những đội tàu vỏ thép hậu cần hiện đại, góp phần giảm chi phí, tăng giá trị và sản lượng, nâng cao thu nhập, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.