Xin ông cho biết hiện nay CPMB đang triển khai những dự án truyền tải điện cấp bách nào? Các dự án đến thời điểm này đạt tiến độ ra sao?
Hiện CPMB đang triển khai một loạt các dự án truyền tải điện cấp bách, bao gồm: Dự án đường dây 500 kV mạch 3 (sẽ hoàn thành trong quý 4/2020) có nhiệm vụ tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.
Dự án đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (sẽ hoàn thành quý 2/2020) có nhiệm vụ giải tỏa công suất nhà máy này theo hợp đồng đã ký kết.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thực hiện dự án xây dựng trạm biến áp (TBA) 500 kV Việt Trì và đấu nối (sẽ hoàn thành trong tháng 5/2020), có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. dự án này tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện Quốc gia.
Đặc biệt, dự án TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối (sẽ hoàn thành tháng 6/2020) được Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự án có nhiệm vụ giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ngoài ra, CPMB còn triển khai một loạt các dự án cấp bách khác như đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm; TBA 500 kV Nghi Sơn…
Hiện tiến độ thi công của các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên các địa phương đang ưu tiên để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh nên việc triển khai và phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bàn giao mặt thi công cũng chậm hơn so với kế hoạch.
Mặt khác, CPMB còn đang triển khai thủ tục đầu tư một số dự án cấp bách khác như: TBA 500 kV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân. Do dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đã chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ lập, trình, thẩm tra và phê duyệt thiết kế kỹ thuật.
Trước dịch bệnh COVID-19, ông có lo ngại các dự án này sẽ chậm tiến độ không? Những yếu tố tác động đến tiến độ của dự án do dịch là gì, thưa ông?
Chắc chắn tiến độ của các dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, trong bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ gặp hạn chế do các địa phương tập trung chống dịch, các vướng mắc hiện tại chưa được ưu tiên giải quyết. Bên cạnh đó, chúng tôi không tổ chức được các cuộc họp tại địa phương, họp dân để giải quyết các thủ tục về hồ sơ, các vướng mắc. Các hộ dân e ngại không tiếp xúc, hoặc không hợp tác làm việc với địa phương và cán bộ đền bù trong thời điểm dịch.
Đối với việc mua sắm vật tư thiết bị, thời gian vận chuyển đường biển kéo dài, nhiều gói thầu chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện các dự án. Công tác cung cấp vật tư vật liệu (cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông thương phẩm, điện nước…) phục vụ thi công cũng bị chậm do nhiều đơn vị kinh doanh nghỉ hoặc cung cấp hạn chế.
Ngoài ra, trong thi công cũng bị ảnh hưởng do nhân lực thi công nhiều công trình bị sụt giảm vì khó khăn khi thuê nhân công ngoài, nhân công địa phương. Một số địa phương yêu cầu đơn vị thi công phải chia nhỏ chỗ ở cho công nhân, mỗi nơi chỉ ở tối đa 5 người. Việc di chuyển lực lượng thi công, bộ máy thi công từ địa phương này đến địa phương khác cũng bị hạn chế. Một số địa phương còn yêu cầu phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Vậy theo ông, giải pháp CPMB đã và đang triển khai nhằm kiểm soát tiến độ các dự án cấp bách này là gì?
Ngay từ tháng 3/2020, nhận định dịch COVID-19 sẽ tác động đến các dự án đang triển khai nên CPMB đã nhanh chóng thực hiện các một loạt các biện pháp. Trong đó, CPMB ưu tiên tập trung chỉ đạo, điều hành và huy động tối đa nguồn lực để giải quyết, đảm bảo tiến độ hoàn thành đóng điện, khởi công theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Cùng với đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền để cán bộ nắm bắt được thông tin, các biện pháp phòng, chống dịch và ổn định tâm lý cho anh em, không hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến công việc.
Tại công trường, CBCNV các phòng chức năng, bám sát kế hoạch tiến độ của các dự án được giao, chủ động triển khai các biện pháp tích cực, hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.
CPMB cũng có văn bản đề nghị các địa phương, các nhà thầu và các đơn vị liên quan triển khai công tác nội nghiệp (hạn chế ra ngoài) để hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ,..., nhằm giải tỏa bớt khối lượng công việc sau khi hết dịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch công việc chi tiết cho thời điểm hiện nay và sau khi hết dịch để triển khai thực hiện cho phù hợp. Mặt khác, thường xuyên báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành và các các địa phương về tình hình thực hiện, các vướng mắc và đề nghị giải quyết trong điều kiện có thể, phù hợp với công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng tại công trường được CPMB triển khai như thế nào, thưa ông?
Đối với Ban Tiền phương, CBCNV hiện đang đi công tác ở khu vực nào thì ở ngay khu vực đó, không di chuyển đi lại giữa các vùng. Đối với các công việc có thể thực hiện online, CBCNV đăng ký với trưởng các phòng để thực hiện ngay tại Ban Tiền phương. Khi đi công trường hoặc làm việc với các đơn vị liên quan, CBCNV phải tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh đã được khuyến cáo.
Đối với các nhà thầu tại công trường, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời gian phòng, chống dịch bệnh có thể kéo dài, CPMB yêu cầu thành lập Ban Phòng chống COVID-19 tại công trường các công trình. Các ban này tuân thủ thực hiện hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các văn bản của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền sở tại và ngành y tế. Đòng thời tổ chức vệ sinh, thu dọn công trường, phối hợp với các cơ quan y tế trong việc khử trùng trong phạm vi công trường và các khu vực lân cận (khi cần thiết), bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
Ban Phòng chống COVID-19 tại công trường các công trình tổ chức giám sát sức khỏe cho cán bộ, công nhân làm việc tại công trường xây dựng hàng ngày bằng cách đo thân thiệt 2 lần/ngày vào đầu mỗi buổi làm việc, thực hiện đeo khẩu trang theo đúng quy định, giữ khoảng cách hạn chế tiếp xúc gần trong suốt quá trình làm việc và nghỉ ngơi, chú ý người đến từ vùng dịch hoặc có đi qua vùng dịch.
Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 cần tổ chức cách ly và báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã phường nơi công trình thi công. Mặt khác, dừng mọi hoạt động thi công xây dựng trong trường hợp có người nghi mắc dịch COVID-19 cho đến khi Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của chính quyền sở tại khẳng định không phải nhiễm dịch.
Theo ông công tác chăm lo cho CBCNV của Ban cũng như công tác giải ngân cho các nhà thầu được CPMB thực hiện như thế nào để những công nhân bám công trường yên tâm công tác trong thời điểm dịch này?
Các đơn vị chuyên môn và Công đoàn CPMB luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đời sống, việc làm của CBCNV nên không có tư tưởng dao động trong dịch bệnh. Chủ trương của chúng tôi là tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi với tình hình việc làm, tiền lương, thu nhập ổn định sẽ giúp CBCNV của Ban yên tâm công tác
Mặt khác, công tác giải ngân cho các nhà thầu cũng được chúng tôi triển khai theo đúng các quy định, không có chậm trễ. Ngoài ra CPMB còn thường xuyên nhắc nhở các nhà thầu chú trọng đến công tác giải ngân, chú ý đến chế độ lương, thưởng cho công nhân thi công trên công trường. Hiện công trường các dự án đang quyết tâm thi công để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án truyền tải cấp bách mà CPMB được giao.
Xin cảm ơn ông!