Theo dự tính, nhập siêu năm 2015 sẽ là 5% trong tổng cán cân thương mại xuất khẩu. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu khoảng 6%. Trong phiên họp chiều 25/5, bên lề Quốc hội, phóng viên Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề này.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay, cơ cấu về nhập siêu đã hợp lý chưa?
Về vấn đề nay, có thể khẳng định lại thế này, trong tính toán về dài hạn thì đến năm 2020 chúng ta vẫn ở trong trạng thái là nhập siêu và năm 2015 sẽ nhập siêu khoảng 12% trong tổng cán cân thương mại xuất khẩu. Đến năm 2020 thì chúng ta mới cân bằng cán cân thương mại và chỉ từ đó trở đi chúng ta sẽ là một nước có cán cân thương mại lành mạnh và có xuất siêu. Đây là bức tranh chung của chúng ta trong bối cảnh hiện nay nhưng có tính đến các chủ trương, biện pháp nhằm tăng dần tỷ lệ sản xuất trong nước như tận dụng những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại để khuyến khích đầu tư trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Còn năm 2015, Chính phủ tính toán và báo cáo với Quốc hội dựa trên xu thế phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế và tăng trưởng kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam, thì thấy rằng chúng ta vẫn phải nhập siêu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cố gắng không để tỷ lệ nhập siêu quá cao như đã dự kiến trước đây là 12% mà là 5%. Trên thực tế, 4 tháng đầu năm nay, chúng ta nhập siêu khoảng 6%. Nhưng chúng tôi dự báo, 6 tháng đầu năm, chúng ta sẽ quay trở về con số khoảng 5%.
Vậy để có thể quay về con số này thì các biện pháp đưa ra cụ thể là gì, thưa ông?
Để quay về con số này và cũng để giữ con số này cho cả năm, thì có mấy biện pháp. Một là, muốn gì thì muốn, vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu. Trong 4 tháng, tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì nhưng tỷ lệ thấp hơn năm trước, khoảng 6,7 - 6,8%. Như tôi đã có dịp thông tin với báo chí, 4 tháng đầu năm có một thực tế là thời gian nghỉ lễ Tết khá nhiều, nên xuất khẩu không tăng được như năm trước. Trong khi đó, giá một số hàng hóa chủ lực, nhất là nông sản thì sụt giảm ghê gớm. Có những mặt hàng như gạo, cao su, cà phê, sụt giảm đến 20-30%. Cho nên chúng ta mặc dù có thể tăng về khối lượng nhưng không bù được giảm kim ngạch. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm thì như thế nhưng 6 tháng đầu năm và tình hình cả năm theo chu kỳ và cũng theo xu thế chung thì xuất khẩu sẽ khá hơn. Đấy là cơ sở để chúng tôi tin rằng xuất khẩu từ nay cho đến cuối năm 2015 sẽ khá hơn những tháng đầu năm.
Thứ hai: Chúng ta sẽ kiểm soát một cách có hiệu quả việc nhập khẩu. Chỉ nhập thiết bị máy móc, nguyên vật liệu cần thiết. Đối với hàng hóa đã có khả năng sản xuất với khối lượng lớn, chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp thì chúng ta phải sử dụng những biện pháp được phép để kiểm soát những hàng bên ngoài nhập khẩu vào Việt Nam làm sao để họ đưa hàng đó vào VN thì những hàng đó phải đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người, liên quan đến chất lượng các công trình. Hiện nay, Bộ Công Thương được phép của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai các biện pháp đó. Ví dụ như cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với phân bón, và hiện đang nghiên cứu cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với các sản phẩm khác…
Như ông nói, chúng ta sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm; nhưng sẽ tập trung vào những mặt hàng nào, bởi các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản… đang sụt giảm?
Chắc chắn vẫn phải tập trung vào những mặt hàng chúng ta có thế mạnh. Đó là dệt may, da giày, hàng điện tử. Với nông nghiệp thì phải tìm thêm thị trường cho gạo, hàng thủy sản - đây là hai mặt hàng rất quan trọng. Gạo hiện nay thì Chính phủ đã chỉ đạo rồi. Các bộ có liên quan cũng rất nỗ lực đàm phán với các Chính phủ theo hợp đồng Chính phủ. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các DN đàm phán với các DN tư nhân của nước ngoài theo hợp đồng thương mại và bước đầu đã có kết quả như với Philippines, Malaysia, và một số thị trường khác.
Trong những tháng tới, việc trao đổi thương thảo với nước ngoài về các hợp đồng Chính phủ sẽ có cơ hội tăng lên hơn. Đối với thủy sản thì cũng tương tự như vậy. Và tôi hy vọng rằng với một số hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã đàm phán, đã ký kết và sắp có hiệu lực như hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc trong 6 tháng cuối năm nay sẽ có hiệu lực, theo đó, hàng thủy sản sẽ có thuế suất 0%. Ví như mặt hàng tôm. Trước khi chúng ta ký hiệp định với Hàn Quốc và hiệp định có hiệu lực, tất cả các nước ASEAN một năm chỉ được có 5.000 tấn tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc, trong đó Việt Nam là 2.500 tấn. Khi chúng ta ký hiệp định và hiệp định có hiệu lực thì riêng năm đầu tiên chúng ta xuất khẩu 10.000 tấn và mỗi năm tiếp theo có thể tăng thêm được 1.000 tấn nữa. Rõ ràng, đó là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu.
Thưa ông, hiện nay có ý kiến lo ngại về tình hình nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trung Quốc là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của chúng ta bởi truyền thống từ rất lâu rồi. Hàng của ta xuất sang Trung Quốc, chi phí vận tải cũng rất thấp so với xuất sang nước khác, các mặt hàng Trung Quốc xuất sang ta cũng vậy. Hiện, có khá nhiều nguyên liệu, vật tư, thiết bị máy móc chúng ta vẫn phải nhập từ Trung Quốc, và đây là những mặt hàng mà họ đáp ứng về mặt chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đương nhiên bên cạnh đó vẫn có một số hàng hóa chưa hoàn toàn đáp ứng nhưng đó là những hàng hóa thường là không qua con đường chính ngạch, mà qua con đường tiểu ngạch, không chính thức. Thực tế là như vậy và chúng ta phải tìm cách khắc phục. Một mặt vẫn duy trì quan hệ kinh tế hợp tác, đầu tư, thương mại. Mặt khác, để tránh vào việc quá phụ thuộc vào chỉ một thị trường hay một vài thị trường thì chúng ta phải tìm cách đa dạng hóa thị trường như ký kết các hiệp định thương mại; nâng tỷ lệ sản xuất trong nước, phát triển những ngành công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu; đấu tranh quyết liệt với buôn lậu qua biên giới…
Xin cảm ơn Bộ trưởng vì cuộc trao đổi này !