Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang xung quanh nội dung này.
Xin ông chia sẻ những kết quả đạt được trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của đơn vị từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm soát Cục Hải quan An Giang đã kiểm tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ 51 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tổng trị giá tang vật vi phạm hơn 1,863 tỷ đồng. Trong số này, Hải quan đã khởi tố 3 vụ án hình sự.
Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan An Giang đã xây dựng kế hoạch kiểm soát thực hiện cho cả năm, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cho từng đơn vị. Ngay đầu năm, Cục Hải quan An Giang đã có kế hoạch đưa cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát chống buôn lậu đi bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu; chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm địa bàn, đối tượng, triển khai các biện pháp chuyên môn.
Cục cũng tăng cường phối hợp giữa Đội Kiểm soát hải quan, các Chi cục Hải quan cửa khẩu với các lực lượng chức năng như biên phòng, công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương, đặc biệt các trường hợp truy đuổi hoặc bắt giữ các vụ buôn lậu ngoài địa bàn hoạt động; đồng thời đẩy mạnh phối hợp trong nội bộ, phối hợp liên ngành.
Cục Hải quan An Giang đã nhiều đợt tăng cường quân số hỗ trợ cho các cửa khẩu, cử cán bộ ở các phòng tham mưu, các đội xuống hỗ trợ trực tiếp khi các Chi cục Hải quan cửa khẩu bắt vụ có giá trị hàng hóa lớn, phức tạp cần đảm bảo thời gian xử lý. Cục cũng xử lý nghiêm cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại...
Vậy những khó khăn, vướng mắc mà lực lượng hải quan gặp phải trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là khi năm nay nước lũ về sớm và lớn hơn mọi năm như thế nào, thưa ông ?
Theo Nghị định 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP), hiện nay địa bàn hoạt động của các Chi cục Hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan An Giang đã thu hẹp lại (bao gồm 1 xã hoặc thị trấn nơi đặt trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu).
Biên giới An Giang dài khoảng 96,6 km với rất nhiều đường mòn, kênh rạch chằng chịt, có nơi biên giới là dòng sông chung và hầu hết đều nằm ngoài địa bàn hoạt động của các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan An Giang. Do vậy, hoạt động chống buôn lậu tại các địa bàn còn lại trên tuyến biên giới do các Đồn Biên phòng chủ trì thực hiện. Trường hợp Hải quan phát hiện hành vi buôn lậu ngoài địa bàn hoạt động thì phải phối hợp với Biên phòng và các lực lượng khác liên quan như Công an, Quản lý thị trường...
Địa hình biên giới An Giang vốn đã rất phức tạp, đặc biệt, mực nước lũ năm nay lại lớn hơn các năm trước rất nhiều. Mực nước trên các cánh đồng biên giới An Giang lên cao từ 3m đến 3,5m, dâng cao so với mùa khô khoảng từ 2,5 - 3m. Các đối tượng đầu nậu, đối tượng vận chuyển thuê sử dụng các loại phương tiện thủy có tải trọng khác nhau để qua lại biên giới buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, họ có thể vượt qua biên giới bất cứ nơi nào từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại,...
Hàng nhập lậu vẫn thường được vận chuyển vào các giờ cao điểm, như chập tối, nửa đêm, gần sáng bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, tìm kiếm các đường mòn để tiếp tục vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào nội địa tiêu thụ.
Tuy các lực lượng Công an, Hải quan và Biên phòng thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát nhưng do các đối tượng có tổ chức canh, coi đường nên việc bắt giữ hàng hóa nhập lậu gặp nhiều khó khăn.
Khu vực vành đai biên giới vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, làm phát sinh nhiều đường mòn cánh gà cửa khẩu dẫn đến khó kiểm soát. Tuyến biên giới vẫn còn bến đò ngang dân sinh để vận chuyển hành khách. Việc kiểm soát, xử lý người xuất nhập biên trái phép vẫn còn lỏng lẻo, chưa nghiêm.
Mặt khác, phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật chưa được cao dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức làm công tác chống buôn lậu cũng chưa được đào tạo chuyên nghiệp và trẻ hóa, chủ yếu là huy động lực lượng trong đơn vị. Đặc biệt, Cục Hải quan tỉnh An Giang đang thiếu nhân lực, thêm vào đó là việc thực hiện tinh giản biên chế. Hiện tại, mỗi đơn vị cửa khẩu lực lượng kiểm soát chuyên trách cũng chỉ 3 đến 5 cán bộ, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Cục đã phải tăng cường cán bộ ở các phòng tham mưu xuống cho cửa khẩu.
Hiện tại vẫn còn tình trạng doanh nghiệp mua hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp kinh doanh đường và các nhà máy, công ty sản xuất đường để hợp thức hóa nguồn đầu vào cho đường nhập lậu, đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.
Ông có nhận định gì về tình hình buôn lậu những tháng cuối năm? Để đạt được hiệu quả cao trong việc thực nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Hải quan An Giang có kiến nghị, đề xuất gì?
Trong dịp cao điểm cuối năm, trước trong và sau Tết Nguyên đán năm 2019, dự báo các mặt hàng nhập lậu sẽ tăng trong thời gian tới vẫn là thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan và một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng như: rượu, bia, bánh kẹo... là thời điểm các đầu nậu mua gom, tích lũy hàng hóa phục vụ dịp Noel, Tết dương lịch và Tết cổ truyền Việt Nam.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc thực nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Hải quan An Giang có một số kiến nghị sau:
Theo khoản 2 Điều 9 và Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, cơ quan Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm quy định tại Điều 188, 189, 190 Bộ Luật hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, theo pháp luật về tố tụng hình sự, sau khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, cơ quan Hải quan không có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo tố tụng hình sự nên đã gặp nhiều khó khăn, bị động trong khâu lập hồ sơ vi phạm ban đầu.
Do vậy, Cục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự ở Trung ương xem xét có giải pháp phù hợp cho Hải quan được gửi người phạm tội quả tang vào nhà tạm giữ của Công an hoặc Biên phòng nơi gần nhất khi phát sinh vụ việc.
Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày 05/01/2004 ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia theo hướng quy định không cho phép thanh toán tiền hàng xuất khẩu bằng tiền đồng Việt Nam qua cửa khẩu mà chỉ được phép thanh toán bằng ngoại tệ qua ngân hàng nhằm tránh tình trạng lợi dụng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu.
Cơ quan chức năng tạm dừng cấp giấy phép hoạt động cho các kho, địa điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cát, đường phèn trong khu vực biên giới; tăng cường phối hợp kiểm tra tình trạng, điều kiện hoạt động đối với các kho, địa điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cấp phép nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật liên quan thì thu hồi giấy phép để đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở này.
Cơ quan Thuế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp, công ty đối với tất cả những mặt hàng có tiềm ẩn buôn lậu đã được cơ quan chức năng cảnh báo.
Để tránh xảy ra tình trạng kiểm soát chặt địa bàn này, các đầu nậu lại chuyển sang địa bàn khác để buôn lậu, đề nghị các lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ kiểm soát tốt địa bàn hoạt động và quản lý của mình để đấu tranh, ngăn chặn và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Cuối cùng Tổng cục Hải quan bổ sung cho Cục Hải quan An Giang một số biên chế nhất định để đảm bảo hoạt động chung và nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.