Kiên Giang mở đợt cao điểm kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản 

Từ ngày 15/7-15/8, tỉnh Kiên Giang mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo, với sự tham gia của các lực lượng như: chi cục thủy sản, thông tin - truyền thông, biên phòng, công an và huyện, thành phố vùng biển đảo.

Chú thích ảnh
Phương tiện khai thác thủy sản ven bờ mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản hoạt động trên vùng biển Rạch Giá (Kiên Giang). 

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, các đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm trong hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm. 

Theo đó, xử lý theo quy định các phương tiện khai thác thủy sản tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản; sử dụng các nghề cấm khai thác vùng biển ven bờ, ven đảo; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản, đánh bắt thủy sản sai nội dung giấy phép khai thác về vùng khai thác, nghề đánh bắt....  

Đoàn thanh tra cũng sẽ xử lý theo quy định các phương tiện khai thác thủy sản sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác đánh bắt; không viết số đăng ký tàu cá hoặc viết không đúng quy định. Đồng thời, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ thiết bị cứu sinh tàu cá theo quy định, không văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng hoặc có văn bằng, chứng chỉ nhưng bị sửa chữa, tẩy xóa thay đổi nội dung hoặc làm giả… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tình trạng khai thác thuỷ sản ven bờ, ven đảo mang tính hủy diệt còn nhiều nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, giải quyết triệt để… Vì vậy, việc mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên ngư trường để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, góp phần phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm là rất quan trọng và cần thiết hiện nay.  

Nhiều ngư dân ở huyện Kiên Lương cho biết, trên ngư trường đã xuất hiện loại “cào đặc chủng” khai thác mang tính hủy diệt, đánh bắt hầu hết các loại hải sản lớn, nhỏ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, đặc biệt là loài ghẹ. Do đó, cần có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, qua việc kiểm tra, kiểm soát ngư trường trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã phát hiện, xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần 2,5 tỷ đồng. 

Hiện nay, nghề khai thác thủy sản trên biển ở tỉnh Kiên Giang gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhiều tàu cá tạm ngừng hoạt động do đánh bắt thua lỗ. Nguyên nhân là do giá xăng dầu và vật tư tăng cao, nguồn lợi thủy sản trên biển suy giảm, khai thác sản lượng thấp…

Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm nay của tỉnh ước gần 286.000 tấn, đạt 56% kế hoạch, nhưng cá các loại, tôm, mực giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Ninh Thuận với giải pháp giúp ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp
Ninh Thuận với giải pháp giúp ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp

Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu cá và ngư dân trong tỉnh để truyền đạt tất cả quy định của pháp luật có liên quan đến việc khai thác thủy sản nhằm tránh xảy ra sai phạm, đảm bảo việc khai thác thủy sản của tỉnh hợp pháp, đúng với quy định của EC.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN