Những kinh nghiệm thực tiễn của Nam Định là bài học quý để các tỉnh, thành phố học tập; đồng thời giúp các cơ quan chuyên môn Trung ương và địa phương tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp phù hợp để triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Lựa chọn cách làm phù hợp
Xuất phát điểm của Nam Định khi triển khai xây dựng nông thôn mới thấp. Năm 2010, bình quân các xã trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 6 - 7/19 tiêu chí nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp manh mún, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển. Nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên với cách làm sáng tạo, phù hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của người dân, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã thu được những kết quả vượt bậc.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp; điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Nhiều địa phương trong tỉnh thực sự trở thành miền quê đáng sống. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực từ coi trọng sản lượng sang chất lượng nông sản, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang tiêu dùng kết hợp sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng theo chuỗi, đảm bảo các quy định về an toàn.
Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 76,5 triệu đồng năm 2010 lên hơn 145 triệu đồng năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Nam Định tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 45 triệu đồng năm 2019. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân nông thôn thay đổi đáng kể, có trên 80% hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%. Đặc biệt, đến tháng 12/2018, các địa phương trong tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong chia sẻ, dựa trên Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của Trung ương, Nam Định đã lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo tinh thần tiêu chí nào dễ, cần ít nguồn lực thì làm trước; tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực thì làm sau. Xuất phát từ thực tế, các địa phương trong tỉnh xác định lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới, từ đó đưa ra cách làm nông thôn mới từ gia đình đến thôn xóm; từ thôn xóm đến xã, huyện.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, để tạo ra bước đột phá cho chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung giải quyết những vấn đề cốt yếu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 07; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45 về tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Sau 4 năm, toàn tỉnh có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 99,7%. Sau dồn điền, đổi thửa, số thửa ruộng bình quân của mỗi hộ dân giảm xuống chỉ còn 1,5 thửa (trước đó là 3,27 thửa/hộ). Nhiều xã có tới 80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ. Các địa phương đã dồn gọn quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Nhờ thực hiện chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, hầu hết các xã trên địa bàn đã quy hoạch, xây dựng được các vùng “cánh đồng lớn” để sản xuất hàng hóa tập trung; có 83% số xã đã bố trí được khu chăn nuôi tập trung xa dân cư. Thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi giúp sản xuất hiệu quả hơn. Đây cũng được xem là khâu then chốt, mở đầu cho phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp trong toàn tỉnh.
Nam Định là tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn. Năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 1.700 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trước thực tế đó, tỉnh chủ trương khai thác nội lực từ chính cộng đồng dân cư. Các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn chủ động, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nam Định đã tranh thủ được sự ủng hộ của con em địa phương làm ăn xa quê, các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay, góp công, góp của để xây dựng quê hương, tạo nên những vùng quê ngày càng giàu đẹp.
Từ năm 2011 đến tháng 9/2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 22.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm trên 26%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác. Cùng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố, tạo quỹ đất sạch, Nam Định cũng ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Gần 10 năm qua, tỉnh Nam Định đã thu hút trên 5.000 doanh nghiệp (tăng trên 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động. Nam Định cũng đặc biệt thành công với phương án giải phóng mặt bằng theo cơ chế nông thôn mới. Trước khi thực hiện các dự án, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi…, các thôn, xóm tổ chức họp dân, bàn bạc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân. Các gia đình cán bộ, đảng viên ở địa phương gương mẫu đi đầu để bà con noi theo. Người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình của gia đình nhường đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Cách làm này đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, giảm giá thành đầu tư vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án mà không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.
Theo thống kê từ các địa phương, thông qua công tác dồn điền đổi thửa và phong trào giải phóng mặt bằng, các hộ dân tại tỉnh Nam Định đã hiến, góp gần 2.900 ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng) và trên 200 ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi...
Nâng cao đời sống người dân
Với phương châm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện, thành phố, các xã, thị trấn và thôn, xóm tỉnh Nam Định đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nam Định xác định từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, kết nối đồng bộ với đô thị; xây dựng nông thôn mới tạo ra cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp nhưng không bê tông hóa, cứng hóa nông thôn; gìn giữ những giá trị, bản sắc tốt đẹp của nông thôn Nam Định, gắn kết cộng đồng dân cư. Người dân nông thôn có thu nhập khá và ổn định, có điều kiện sống văn minh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở xã, thôn. Huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, Nam Định có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 với các nội dung cụ thể. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải đảm bảo hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các xã này phải quy hoạch, phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực địa phương; có ít nhất một vùng cánh đồng lớn, một chuỗi liên kết sản xuất bền vững; tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm từ 95% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 1%. Các xã có 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; nhà có số, phố có tên, đường có điện chiếu sáng, có hoa. Đặc biệt phải có trên 90% hộ dân hài lòng với kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (trong tổng số 60% hộ dân được hỏi ý kiến).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thông tin, thời gian tới địa phương tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh để không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.
Hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, Nam Định đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Các địa phương trong tỉnh tiến hành tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại thành lập hợp tác xã kiểu mới; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực...
Tỉnh Nam Định có 229 xã, phường, thị trấn với 10 huyện, thành phố. Hiện Nam Định đã có 30 xã đề nghị thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đăng ký xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Hải Hậu đang tập trung nguồn lực thực hiện Đề án nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”, giai đoạn 2019 - 2025.