Nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều kỷ lục mới được ghi nhận trên các mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê... Do đó, xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7,8 tỷ USD, tăng gần 48% so với năm ngoái.
Nhiều kỷ lục mới
Sau hơn 20 năm tham gia thị trường quốc tế, lĩnh vực thủy sản đã ghi dấu xuất khẩu được kỷ lục đạt gần 11 tỷ USD. Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là năm thủy sản có nhiều kỷ lục nhất. Đó là tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD với mức tăng trưởng kỷ lục gần 80% và lần đầu tiên cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD.
Theo bà Lê Hằng, lạm phát đỉnh điểm 40 năm của nhiều thị trường, xung đột Nga-Ukraine khiến chi phí tăng cao; biến động tỷ giá tiền tệ tại nhiều thị trường nên các nhà nhập khẩu phải tính toán giảm nhập khẩu. Nhưng các doanh nghiệp Việt đã có sự linh hoạt trong đa dạng hóa sản phẩm và thị trường.
Chẳng hạn khi sản lượng tôm trong nước khó khăn, các doanh nghiệp đã tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Hay với biến động về tỷ giá tiền tệ, doanh nghiệp cũng lựa chọn các thị trường có sự biến động ít hơn, ổn định hơn như Mexico.
Năm 2022, môi trường kinh tế - xã hội khá ổn định để các doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Nhu cầu thị trường lớn hồi phục mạnh mẽ sau 2 năm hạn chế do dịch COVID như EU, Mỹ… trong khi nguồn cung thủy sản của nhiều nước bị gián đoạn, hạn chế. Điều này khiến giá thủy sản xuất xuất khẩu tại nhiều thị trường tăng mạnh, điển hình như cá tra có thị trường tăng 50% so với năm ngoái.
Bà Lê Hằng đánh giá, trong bối cảnh lạm phát, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang lại lợi thế rất lớn, tạo sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam nhất là các thị trường trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu sang khối thị trường này đã tăng 30%, đưa tỷ trọng sang khối thị trường này lên từ 26-27% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, tại các thị trường lớn như EU, Mỹ… trong nước sau dịch COVID có sự trở lại sôi động của Hội chợ triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (VietFish) với sự thu hút kỷ lục hơn 10.000 khách trong nước và quốc tế - tạo đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Hay với sản phẩm gạo, năm nay do chính sách thắt chặt xuất khẩu lương thực của một số nước nên xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục 7 triệu tấn. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, nhờ giá cao nên các doanh nghiệp đã đẩy mạnh lượng xuất. Điều này cho thấy khả năng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Khả năng cao đầu năm 2023, giá gạo ở mức cao nên hợp đồng gạo trong niên vụ mới sẽ vẫn tốt”, ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Nhìn lại kết quả ngành nông nghiệp đạt được năm 2022, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá, nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác rất nỗ lực phục hồi sau dịch COVID-19. Nông nghiệp đã đạt kết quả ngoạn mục nhờ quá trình tích lũy từ nhiều năm cơ cấu lại với nền tảng phát triển vững chắc.
Phát huy hiệu quả mở cửa thị trường
Năm vừa qua, rất nhiều nông sản đã tiến quân vào nhiều quốc gia, đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt. Điển hình như sầu riêng, khoai lang, tổ yến... vào Trung Quốc; bưởi sang Mỹ; nhãn sang Nhật Bản; chanh, bưởi sang New Zealand...
Nhìn lại thành quả mở cửa thị trường năm 2022, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, đàm phán có quá trình tích lũy từ nhiều năm trước nhưng năm 2022 các loại nông sản được sự chấp thuận khá nhiều của các nước.
“Năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực mở cửa nhiều thị trường hơn với nhiều mặt hàng hơn. Nhưng quan trọng là những gì đã mở cửa được phải duy trì bền vững và mở rộng thị phần. Đó là thành công của đàm phán cũng như thành công của ngành hàng đó”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những yêu cầu bắt buộc liên quan đến kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Gắn theo từng yêu cầu thị trường, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp đều hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, nông dân xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện có trên 300.000 ha cây trồng đã có mã số vùng trồng.
Để đáp ứng nhu cầu nông dân, doanh nghiệp và mở rộng thị phần xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã phân cấp, hướng dẫn cho các đơn vị chuyên môn ở địa phương thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Với cách làm như vậy, diện tích được cấp mã số vùng trồng sẽ được mở rộng nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này cũng góp phần định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Nhìn ở góc độ thị trường, bà Lê Hằng cho biết, lạm phát tăng cao ngấm sâu thói quen của người tiêu dùng nên xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I/2023, thậm chí hết nửa đầu năm 2023. Kỳ vọng nửa cuối năm 2023, khi kinh tế thế giới hồi phục thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại.
“Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nhất định về thị trường, thuế, vốn… để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới thời gian tới”, bà Lê Hằng đề xuất.
Ông Đào Thế Anh đánh giá, dịch COVID đã làm thay đổi cơ cấu thị trường, mà nhiều sản phẩm trái cây hay lúa gạo của Việt Nam đã đặt chân được vào châu Âu - nơi mà trước đây Thái Lan “thống trị”.
“Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục đa dạng thị trường, bao gồm cả Trung Quốc; tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch gồm cả đóng gói, bao bì… Tôi tin tưởng nông nghiệp vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng, xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng dương trong năm 2023", ông Đào Thế Anh nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất làm sao đảm bảo sản phẩm giữ được chữ tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để xuất khẩu loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu rất lớn.