Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; trong đó, có xuất khẩu.
Khó chồng khó
Có thể thấy sau 7 năm liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 lại diễn biến ở một bức tranh khác. Điều này thể hiện qua việc thương mại quốc tế của nửa đầu năm nay và cùng kỳ năm 2022 trong hai bối cảnh trái ngược.
Trong giai đoạn đầu năm 2022, các quốc gia đều đã có những bước tiến mạnh mẽ để mở cửa các hoạt động kinh tế, du lịch sau dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao; trong đó, gồm hàng xuất khẩu của Việt Nam (xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 187,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021).
Kể từ quý III năm 2022, lạm phát tăng cao, thậm chí đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU... Giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều này tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bước sang năm 2023, mặc dù đã trải qua thời gian dài các quốc gia đã thực hiện các biện pháp ứng phó với lạm phát nhưng vẫn ở mức cao và nền kinh tế của các quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế.
Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn. Phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn của Ngân hàng Trung ương các nước theo hướng thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của nền kinh tế, vốn đã gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022.
Hơn nữa, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta.
Bên cạnh đó, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam bởi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn; trong đó, việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hai năm 2021 và 2022, hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động và đạt tăng trưởng 2 con số. Thế nhưng đến năm 2023, mức tăng trưởng chậm lại do lạm phát, suy thoái, sức mua ở nhiều thị trường truyền thống suy giảm.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt 316 tỷ USD sau nửa đầu năm 2023. Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước.
Đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của sự suy giảm này do tình hình xuất nhập khẩu còn nhiều khó khăn khi thị trường nhập khẩu chìm sâu vào lạm phát, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh ở nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước
Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa tháng sáu ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).
Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa. Đáng lưu ý, với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Hơn nữa, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Chủ động ứng phó
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, thị trường có tâm lý nghi ngại về khả năng khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ, EU. Nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia có giá rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam.
Theo ông Lê Tiến Trường, cầu sẽ tiếp tục thấp trong quý III và cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế. Đáng lưu ý, đơn hàng nhỏ, đặt hàng gấp, dẫn đến xu thế tìm nguồn cung ứng ở gần để rút ngắn thời gian giao hàng; giá cả tiếp tục ở mức cạnh tranh gay gắt.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tối thiểu hóa vốn lưu động, tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu.
Theo giới phân tích, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sẽ vẫn còn tiếp tục mỏi cổ chờ "mây tan" giữa bối cảnh người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn đang quan ngại về triển vọng kinh tế. Nhất là khi các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các thị trường đều duy trì ở mức thấp.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để sản xuất linh hoạt, thích ứng phù hợp khi có biến động; giảm bớt các chi phí không cần thiết.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nên tránh đưa ra những quy định, chính sách có thể chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiêp, nhất là tránh nguy cơ tăng giá đối với nhiều sản phẩm, hàng hóa để tăng sức cạnh tranh, khơi thông xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, bên cạnh việc khai thác thêm các thị trường mới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA.
Cùng đó, tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan. Điều này nhằm kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.