Quảng trường bên ngoài Điện Kremlin. |
Theo số liệu sơ bộ, kinh tế Nga sụt giảm 0,5-0,6% trong năm 2016 do giá dầu xuống thấp và những tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, với việc giá “vàng đen” đang trên đà phục hồi nhờ vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Moskva và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tháng trước, triển vọng của nền kinh tế “xứ Bạch Dương” đã trở nên sáng hơn.
Phát biểu ở Davos (Thụy Sỹ) hôm cuối tuần, Bộ trưởng Maxim Oreshkin cũng khẳng định Nga sẽ không từ bỏ chính sách thả nổi đồng ruble mà Ngân hàng trung ương nước này (BoR) đã đưa ra hồi năm 2014 để bảo toàn nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ - vốn đã được dùng nhằm ngăn chặn sự biến động của đồng ruble.
Dự kiến, BoR sẽ sớm kích hoạt chương trình mua ngoại tệ để giúp Bộ Tài chính Nga trữ nguồn thu ngân sách dư thừa khi giá dầu tăng lên trên 40 USD/thùng. Mục tiêu của động thái này là tái nâng nguồn dự trữ quốc gia lên 500 tỷ USD.
Trong một diễn biến khác, sau khi thoái vốn tại một loạt các công ty lớn trong năm ngoái như doanh nghiệp khai thác kim cương Alrosa, doanh nghiệp dầu mỏ Bashneft và Rosneft và thu về hơn 1.000 tỷ rouble (16,8 tỷ USD) để bổ sung cho ngân sách, Moskva lên kế hoạch tiếp tục cắt giảm cổ phần của nhà nước thêm nữa. Nước này dự định bán 10,9% cổ phần trong ngân hàng lớn thứ hai của Nga là VTB và 25% cổ phần công ty tàu biển Sovcomflot. Bộ Kinh tế Nga từng hy vọng rằng kế hoạch thoái vốn tại Sovcomflot sẽ giúp chính phủ thu về 24 tỷ ruble.