Đây là nhận định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa TP Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm 2019, diễn ra vào chiều 4/6.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, môi trường đầu tư cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới đều tăng so với cùng kỳ… Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 6,6% (cùng kỳ 6%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tăng cao như: sản xuất kim loại tăng 73,8%, sản xuất sản phẩm điện tử tăng 29%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,1%…
Ngoài ra, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng 5,96% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành điện tử - công nghệ thông tin thành phố tăng 29% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,5%); tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 463.527 tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 11,9%); trong 5 tháng đầu năm 2019, thành phố có 16.664 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 265.613 tỷ đồng, tăng 1% số lượng doanh nghiệp và tăng 43% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước… Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài được 2,77 tỷ đôla Mỹ (tăng 49% so với cùng kỳ), trong đó có 451 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 472,16 triệu đôla Mỹ (tăng 22,6% số dự án cấp mới và tăng 9,2% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, một trong những yếu tố giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm là do thành phố đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cho hàng nghìn dự án, nhất là các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, kể cả các ý tưởng khởi nghiệp... Thành phố cũng chủ động kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn, hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp….
Theo ông Nguyễn Thành Phong, kinh tế tăng trưởng cao, tinh thần khởi nghiệp lan rộng; sản xuất, kinh doanh của cả khu vực đầu tư nước ngoài và trong nước đều tăng… là tín hiệu rất tích cực, cho thấy các doanh nghiệp thành lập mới có chất lượng hơn. Dù vậy, trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung phát triển ngành công nghiệp, nhất là bốn ngành công nghiệp trọng yếu; đồng thời tập trung nhiều nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác như cải cách hành chính, miễn giảm thuế, vốn vay ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp… để tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh bền vững hơn.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ đã được giao, như tiếp tục tháo gỡ kịp thời khó khăn về vốn, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ các quận huyện, Sở ngành, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để hoàn thiện đề án xây dựng đô thị thông minh…