Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, bước sang quý III, Tổng cục Thống kê dự báo kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Tiếp nối những kết quả khả quan
Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê sáng 29/6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tiếp nối những kết quả quan trọng, ấn tượng trong năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định; sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm trên đà hồi phục rõ và đạt những kết quả khá. Theo đó, GDP quý II/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64% và đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm cũng đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại và đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho hay, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt mức cao.
“Khu vực doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp.”, ông Thúy nhấn mạnh.
Về mục tiêu tăng trưởng năm 2021, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, con số Tổng cục Thống kê công bố với tăng trưởng GDP quý II là 6,61%, 6 tháng đầu năm 5,64% có thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khớp với dự báo là 5,6% cho 6 tháng đầu năm.
Với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của nước ta rất đáng khích lệ trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020.
"Nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1-6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Còn những thách thức, khó khăn
Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, tác động từ việc đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng. “Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng, năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó. Do vậy, chúng ta hãy cố gắng vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là tăng trưởng 6%. Đặc biệt, chúng ta không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới,” ông Lực nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, theo như dự báo, sẽ không có sự điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp như: cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19 và nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Cùng với đó, nghiên cứu để chủ động được nguồn vaccine trong dài hạn; tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, bà Hương nhấn mạnh, cần tập trung các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Để tiếp tục tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh tác động dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến kéo dài, theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp, Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành cần chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội.
Đồng thời, hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng; tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.
Cùng với đó, ông Phạm Đình Thúy cho biết, cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Cùng đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.