Lãi suất có thể giảm từ 0,5 - 1% ở các kỳ hạn

Với nguồn lực của các ngân hàng thương mại và các tín hiệu của thị trường như: thị trường chứng khoán, bất động sản, các chỉ số về kinh tế vĩ mô cũng như sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp và chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, từ nay đến cuối năm nếu VND ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Từ nay đến cuối năm nếu VND ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016. Ảnh: TTXVN

Đây là nhận định của Luật sư Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ chí Minh tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 27/6 tại Hà Nội.

Ông Bùi Quang Tín cũng nhận định, cùng với việc kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình. Đây sẽ là những thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm.

"Với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn so với năm 2016, do nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Cùng với đó, nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn trong việc hạ lãi suất khiến lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái”, Luật sư Bùi Quang Tín nói.

Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1/1/2018. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35% và thực tế vẫn còn một số ngân hàng vượt quá quy định này của Ngân hàng Nhà nước.

Trong quý I/2017, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, xét chung cả hệ thong thì mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm; trần lãi suất huy động 5,5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng được đảm bảo, phổ biến trong khoảng 4,3% - 5,5%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn và từ 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4% - 5%/năm.

Áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng có thể đến từ việc một số ngân hàng trong thời gian gần đây liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động nhằm mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn.


Đối với các ngân hàng này, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ cũng được xem là một trong số nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng.

Mặc dù vậy, áp lực tăng lãi suất huy động chỉ đang diễn ra cục bộ tại các một số ngân hàng. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản không diễn ra tại các ngân hàng lớn và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh thị trường ngoại hối dần bình ổn trở lại sau khi Fed tăng lãi suất.

Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý. Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng khoảng từ 1 - 2%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Lãi suất ngân hàng liệu có giảm?
Lãi suất ngân hàng liệu có giảm?

Với điều kiện thị trường hiện nay, lãi suất ngân hàng cả huy động lẫn cho vay trong thời gian tới sẽ khó giảm thêm, thậm chí còn tăng vào nửa năm sau năm 2017 do thị trường ẩn chứa những điều kiện không thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN