Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc do Ban kinh Tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Phú Thọ giao Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá đây là “vùng trũng” trong phát triển, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Thu nhâp của vùng trong cả nước không những thu hẹp dần mà có xu hướng doãn ra, nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do vùng này chưa phát triển được là lực lượng doanh nghiệp trong vùng còn kém phát triển. Tính đến đầu năm 2020, cả khu vực mới chỉ có 31.812 doanh nghiệp đang hoạt động, có nghĩa là cứ 395 người dân mới có 1 doanh nghiệp, chưa bằng 1/3 mức độ trung bình trong cả nước (bình quân cả nước cứ 127 người dân đã có 1 doanh nghiệp).
“Có tới 8 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc góp mặt trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp nhất trong cả nước. Tình hình các hộ kinh doanh cũng tương tự. Lực lượng doanh nghiệp trong khu vực trung du miền núi phía Bắc xếp hạng 5/6, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên. Về quy mô và chất lượng doanh nghiệp ở vùng đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động không cao”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương đánh giá, trung du và miền núi phía Bắc là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, phát triển vùng vẫn còn nhiều hạn chế, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.
“Trong lĩnh vực kinh tế, phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội... Cùng với đó, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá.
Do đó, theo các chuyên gia cần có sự liên kết giữa các tỉnh để phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trung ương cho rằng, vùng trung du và miền núi phía Bắc có địa hình phân tán, chia cắt nên cần có chính sách cụ thể cho từng tỉnh hoặc chuỗi các tỉnh liền kề. Cùng với đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực này vì hiện nay chi phí logistics chiếm trên 30% giá thành nông sản phẩm.
“Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và kêu gọi một số doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực sản xuất tốt đầu tư vào một số ngành thế mạnh của địa phương như chế biến, khoáng sản, chế biến gỗ, trồng rừng, du lịch… để tạo ra sản xuất theo chuỗi và có tính lan tỏa dẫn dắt tạo ra sự phát triển đồng bộ, bền vững cho khu vực”, ông Nguyễn Hồng Long đề xuất.
Ở góc độ địa phương, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh Yên Bái cho rằng, các tỉnh trong vùng cần tăng cường, phối hợp, liên kết, chia sẻ thông tin về các định hướng của mình trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển lâm nghiệp để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, có chất lượng cho công nghệ chế biến.
“Cùng với đó, các tỉnh trong vùng cũng cần tăng cường liên kết, phối hợp trong thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng, hình thành các khu, cụm công nghiệp, trung tâm chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu công nghệ cao, tạo thành sản phẩm có thương hiệu và xuất khẩu” ông Đỗ Đức Duy kiến nghị.