Cụ thể, ngày 12/11, tại khu vực biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, ngăn chặn và chuyển giao cho Biên phòng Campuchia việc tập kết 13 con lợn chuẩn bị vận chuyển vào Việt Nam. Tiếp đó, ngày 18/11, lực lượng Biên phòng bắt giữ một vụ vận chuyển lợn nhập lậu, tang vật thu giữ gồm 95 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 7,6 tấn. Lực lượng chức năng sau đó đã xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn trên… Đáng chú ý, hầu hết số lợn nhập lậu chưa được kiểm dịch từ cơ quan thú y, nếu vận chuyển vào nội địa sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trước đây, việc vận chuyển lợn qua biên giới tại tỉnh Long An chủ yếu là vận chuyển sang Campuchia với hình thức trao đổi, mua bán nhỏ lẻ 1 - 2 con của cư dân khu vực dọc tuyến biên giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự chênh lệch về giá nên việc vận chuyển lợn có chiều hướng ngược lại từ Campuchia vào nội địa qua các cửa khẩu phụ và lối mở với số lượng hàng chục con.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi và tình hình biến động của giá cả thị trường, cùng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật tăng cao dịp cuối năm thì xu hướng trao đổi, mua bán và thu gom lợn của cư dân khu vực biên giới tại Long An để vận chuyển vào nội địa được dự báo sẽ tăng mạnh.
Việc vận chuyển lợn qua biên giới chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch, vận chuyển lậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở, đường mòn gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Trường hợp nếu đã đưa vào sâu trong nội địa thì khó tránh khỏi tình trạng trá hình dưới danh nghĩa lợn nội tỉnh. Cơ quan quản lý rất khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc đầu vào ở các cơ sở thu gom, cơ sở giết mổ.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Long An đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. Theo đó tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương liên quan cần tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó,UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu. Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật...