Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tuyến QL5 trước đây được xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước vay, sau đó tiến hành thu phí để trả nợ. Đến năm 2000, căn cứ quy hoạch được duyệt và nhu cầu phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày 29/11/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1621 về cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT.
Để phương án tài chính của dự án khả thi, cần có sự tham gia hỗ trợ của nguồn vốn Nhà nước, nên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được phê duyệt xây dựng và hoàn thành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Quyền thu phí trên QL5 và thu phí hoàn vốn trên cao tốc.
Thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Ngày 13/3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, khi đó mới có quy định các tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước không được tiến hành thu phí. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thu phí trên quốc lộ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ các trạm thu phí nộp hoặc trả nợ ngân sách Nhà nước, đồng thời di chuyển các trạm thu phí về đúng phạm vi dự án.
Tại thời điểm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách, riêng các trạm thu phí để hoàn vốn dự án BOT được giữ lại vì Nhà nước đã có cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng BOT, trong đó có hai Trạm thu phí QL5 gắn với dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay việc thu phí tại Trạm QL5 không có chuyện phí chồng phí giữa việc chủ phương tiện đóng phí bảo trì đường bộ với phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT. Cả nước hiện có khoảng 23.000 km đường bộ, trong đó chỉ có khoảng 1.700 km đường BOT, riêng QL1 là 908 km.
Qua tìm hiểu, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương hiện thu khoảng 6.500 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường. Có khoảng 8.500 km đường bộ sử dụng đã hàng chục năm, đang đến kỳ sửa chữa, nhưng chưa có vốn. Riêng các tuyến đường BOT, việc sửa chữa, bảo trì do nhà đầu tư bỏ tiền làm theo hợp đồng BOT. Vì vậy, các phương tiện cho rằng đã đóng quỹ bảo trì đường bộ thì không phải nộp phí dịch vụ BOT là không đúng quy định và cố tình chống đối thu phí.
Liên quan đến phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều chủ phương tiện cho rằng không hợp lý, theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI - nhà đầu tư) cho biết, lái xe đi Hà Nội – Hải Phòng có thể tùy chọn tuyến đường QL5 hoặc cao tốc.
Theo quyết định phê duyệt xây dựng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ban đầu của Thủ tướng Chính phủ, Vidifi được phép thu phí và không phải chi phí bảo trì, sửa chữa QL5. Trên thực tế, từ 2009 – 2016, doanh thu thu phí QL5 khoảng 1.800 tỷ đồng, trừ thuế VAT còn lại gần 1.700 tỷ đồng, nhưng do QL5 xuống cấp nghiêm trọng, VIDIFI đã phải sử dụng nguồn thu phí từ QL5 để sửa chữa khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, nguồn thu tại QL5 chưa hỗ trợ được dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong khi nếu không sửa chữa, QL5 sẽ không thể khai thác tiếp trong thời gian tới.
“Vì vậy, hiện nay nếu bỏ trạm thu phí QL5, lượng xe đi trên cao tốc sẽ chuyển sang đi tuyến này, kéo theo phương án tài chính và thu phí hoàn vốn của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bị phá vỡ, sẽ gây ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước”, ông Chiến cho hay.