Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Cùng với quyền làm ăn, kinh doanh, đầu tư được mở rộng, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần có cơ chế chính sách hữu hiệu để chặn nhà thầu yếu kém và tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước nâng cao năng lực.
Ban hành danh mục cấm đấu thầu với nhà thầu ngoại
Tình trạng nhà thầu Trung Quốc yếu kém, chậm tiến độ, đội giá... đang khiến các chuyên gia kinh tế hết sức lo ngại. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) - thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân), trước hết, chúng ta thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc đấu thầu và xử lý sai phạm. Bên cạnh nhiều dự án tổng thầu của Việt Nam với Trung Quốc được thực hiện bởi vốn ODA của Trung Quốc nên Việt Nam bị các ràng buộc về việc lựa chọn nhà thầu.
Thủy điện Sơn La do Tổng công ty Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà - làm tổng thầu. Điêu Chính Tới – TTXVN |
Tuy nhiên, có thể thấy nhiều trường hợp nhà thầu nước ngoài (không chỉ nhà thầu Trung Quốc) chậm tiến độ, hoặc đội giá công trình với các lý do không thuyết phục, nhưng các bộ, ngành chủ quản của Việt Nam vẫn không thể xử lý mạnh tay được. Với vai trò người bỏ vốn, cơ quan chủ quản của Việt Nam thường chỉ có khả năng đánh giá chất lượng công trình sau khi đã hoàn thành nên rất khó ngăn chặn sai phạm của các nhà thầu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành, để giảm bớt những tác động tiêu cực trong tương lai, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu. Có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình. Mạnh tay xét xử các vụ án tham nhũng, hối lộ trong các công trình liên quan đến vốn ODA và tổng thầu. Một tiêu chí đang được cân nhắc thay đổi khi mời thầu là vấn đề chi phí. Hiện các chương trình mời thầu của Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến vòng đời kỹ thuật hơn là chi phí rẻ. Có nghĩa là ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ Trung Quốc nhưng về tổng thời gian sử dụng của công trình và công nghệ lại dài hơn.
Bên cạnh đó, đối với việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài. Các quốc gia khác trên thế giới đều làm như vậy khi thực hiện các công trình liên quan đến an ninh (bao gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống) và quốc phòng. Australia, Mỹ, Canada đều đã từng không chỉ cấm một số tập đoàn viễn thông và dầu mỏ của Trung Quốc đấu thầu các dự án trọng điểm của mình mà còn bác bỏ các vụ mua bán - sáp nhập của các tập đoàn này với các công ty trong nước vì lý do an ninh.
Minh bạch lựa chọn nhà thầu
Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà thầu Trung Quốc rất biết cách thiết lập quan hệ, biết tìm đến những địa chỉ, con người cần giao dịch, trong khi một số chủ dự án Việt Nam thiếu ý thức dân tộc, không quan tâm đến việc ưu tiên cho nhà thầu trong nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, nên dễ chấp nhận nhà thầu Trung Quốc. Khi tham gia đấu thầu thì họ nhờ quan hệ để đăng ký với giá rất thấp và sau khi trúng thầu thì họ tìm mọi thủ đoạn để nâng giá. Do đó, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu là yếu tố rất quan trọng.
Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, Luật Đấu thầu mới (có hiệu lực từ 1/7/2014) đã đưa ra những giải pháp để loại nhà thầu có năng lực yếu nhưng chào giá thấp để trúng thầu. Với cải tiến phương pháp đấu thầu, cho áp dụng phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ” - các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu vào 2 túi riêng, một túi đựng hồ sơ đề xuất kỹ thuật và một túi đựng đề xuất tài chính.
Khi xét thầu, túi hồ sơ kỹ thuật sẽ được đánh giá trước, nhà thầu nào đáp ứng về năng lực kỹ thuật thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để chọn thầu. Lúc này nhà thầu nào bỏ giá thấp mới được tính tới. Như vậy, chúng ta sẽ loại ra được nhà thầu yếu, năng lực kém. Theo ông Tăng, trước đây mở đồng thời túi kỹ thuật và tài chính. Do vậy, trong một số trường hợp nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp, khiến chủ đầu tư lúng túng trong việc đánh giá.
“Không bóc túi tài chính nên chủ đầu tư không bị tác động bởi giá bỏ thầu, chỉ khi đạt về năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn mới được mở túi đề xuất giá và lúc đó mới tới lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp. Còn nhà thầu không đạt về kỹ thuật sẽ bị loại ngay từ đầu, không cần biết giá thế nào”, ông Tăng nói. Cùng với đó, ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu, do đã cho quyền lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt trước rồi mới tới giá, nếu vẫn chọn nhà thầu yếu là lỗi tại anh cố tình chọn, và sẽ bị xử lý. “Dù nhà thầu nước nào cũng vậy, nếu luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Nhưng vấn đề là có đủ dũng cảm để loại hay không, hay lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác...”, ông Tăng nói.
Cùng với Luật Đấu thầu, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng cũng được hy vọng sẽ giúp loại nhà thầu yếu kém, cạnh tranh bằng giá. Do đấu thầu qua mạng giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, thêm lựa chọn cho chủ đầu tư.
Theo kết quả xếp hạng năng lực các nhà thầu xây lắp giao thông được Bộ GTVT công bố cuối tháng 4, có 4 nhà thầu Trung Quốc nằm trong danh sách không đạt yêu cầu, gồm: Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Cty Xây dựng Quảng Tây; Tổng Cty cầu đường Trung Quốc; Cty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE - Trung Quốc). |
Nhóm PV
Bài 3: Tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước