Moody’s dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ tiếp tục vững mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN |
Các xu hướng này được thúc đẩy bởi sức cạnh tranh ngày càng lớn, cùng sự dịch chuyển nhanh của nền kinh tế khỏi các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp sang chế tạo, và hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao trong những lĩnh vực này.
Moody’s dự đoán các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh sẽ tiếp tục giúp đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam và củng cố sức tăng trưởng so với các nước có cùng mức tín nhiệm, qua đó hỗ trợ nợ chính phủ ổn định.
Moody’s đưa ra những nhận định trên trong phân tích tín nhiệm mang tên “Chính phủ Việt Nam- B1 triển vọng tích cực”, trong đó đánh giá sức mạnh nền kinh tế Việt Nam ở mức “cao (-)” và sức mạnh tài khóa ở mức "vừa phải (-)". Đây là báo cáo cập nhật thường niên cho các nhà đầu tư.
Moody’s dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh, đạt mức trung bình 6,7% trong năm 2018, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân 3,6% của các nền kinh tế được Moody's định hạng tín nhiệm ngưỡng B. Theo Moody's, kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng nội địa và tăng trưởng đầu tư mạnh nhờ hoạt động chi tiêu phát triển hạ tầng trong khu vực công.
Moody’s cũng nhấn mạnh rằng tăng trưởng tín dụng nhanh biểu thị nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng, song cũng cho thấy một mức độ phát triển của hệ thống tài chính. Moody’s lưu ý mức nợ chính phủ cao và thâm hụt ngân sách nới rộng là những nhân tố gây sức ép đối với bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Thêm vào đó, khi Việt Nam “tốt nghiệp” chương trình Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB), khả năng trả nợ có thể suy giảm.
Moody’s cũng nêu ra hai nhân tố có thể hỗ trợ Việt Nam thăng bậc xếp hạng tín nhiệm. Thứ nhất là thông qua các biện pháp cụ thể làm giảm đáng kể nợ công. Hai là việc củng cố hơn nữa sức mạnh của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước, qua đó làm giảm đáng kể những rủi ro đối với chính phủ và môi trường tài chính vĩ mô.