Táo Nhật có kích cỡ quả rất to, gấp 2 lần quả táo bình thường, do đó chỉ khoảng 2-3 quả đã nặng đến một kg. Tính ra, mỗi quả táo có giá trên 100.000 đồng, bằng 5-6 kg táo Trung Quốc bán trên thị trường hiện nay.
Còn tại quầy hàng bán gạo, túi gạo Nhật 5 kg giá 169.000 đồng, đắt gấp đôi giá gạo trung bình của Việt Nam.
Gạo Nhật cũng ngày càng phổ biến trên thị trường. |
Từ khi liên kết với hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản), Fivimart đã nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ đất nước mặt trời mọc, chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm. Mức giá hàng Nhật cao hơn 50-100% so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Đại diện siêu thị cho biết, tuy giá cao nhưng người dân Hà Nội vẫn rất ưa chuộng hàng Nhật, nhập về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Trong khi đó, người dân tại TP Hồ Chí Minh lại đang xôn xao với sản phẩm khoai lang Nhật có giá tới hơn 500.000 đồng/kg. Khoai Nhật thường nặng 3-5 lạng/củ, tuy nhiên có củ to thì nặng đến cả cân. Như thế tức là một củ khoai Nhật có giá lên đến hơn nửa triệu đồng. Do giá cao nên một số cửa hàng nhập khẩu đã bán loại thái lát, ép vỉ khoảng 3-4 lạng/gói, thuận lợi cho người tiêu dùng.
Chị Lê Bình (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho hay, khoai Nhật có vị thơm, ngọt, dẻo, ăn bao nhiêu cũng không chán. Nhưng vì giá đắt nên không dám mua nhiều, chỉ mua ăn thưởng thức là chính.
Một cửa hàng thực phẩm sạch ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi lần chỉ nhập khoai Nhật với số lượng ít nên mỗi ngày cửa hàng chỉ cung ứng được khoảng vài chục kg. Một số nơi còn bán loại hấp chín sẵn, đóng vào túi hút chân không, khách mua về chỉ cần hấp nóng lại là ăn được ngay.
Trên thị trường, cùng giống khoai Nhật nhưng trồng ở Việt Nam có giá chỉ 50.000-70.000 đồng/kg. Còn các giống khoai lang Việt Nam giá chỉ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Do đó, mức giá hơn 500.000 đồng/kg khoai Nhật khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình, với giá đó có thể mua được 1-2 yến khoai Việt.
Vậy thực chất các loại nông sản Nhật có thực sự tốt, tương xứng với mức giá cao chót vót như vậy hay không? Theo các chuyên gia nông nghiệp, các loại nông sản của Nhật Bản được trồng theo đúng các tiêu chuẩn kĩ thuật, đảm bảo chất lượng nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, mức giá cao như trên là do người Nhật đi vào sản xuất theo chiều sâu, thay vì chiều rộng như Việt Nam. Nông sản Nhật không có số lượng nhiều nên giá sẽ cao, cộng thêm các loại thuế nhập khẩu, tiền vận chuyển nên giá về Việt Nam "trên trời".
"Người tiêu dùng chọn gạo Nhật, khoai Nhật... một phần vì nó có mùi vị khác lạ so với những sản phẩm thường dùng, chứ không hẳn là loại hàng đó tốt hơn hẳn hàng Việt Nam. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, các loại nông sản vô cùng phong phú, đa dạng, chất lượng không thua kém bất kì nước nào. Nhiều nông sản Việt Nam cũng xuất sang Nhật và được ưa chuộng. Do vậy, việc người Việt chi tiền nhiều để dùng hàng Nhật có thể chỉ là do sở thích của họ. Có cầu ắt có cung", ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại nhận định.
Chuyên gia này cũng dự đoán, xu hướng nhập khẩu và tiêu dùng hàng Nhật ở Việt Nam sẽ ngày càng nhiều. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn từ các sản phẩm bình dân đến các sản phẩm cao cấp của Nhật, tùy theo túi tiền và nhu cầu của mình, họ sẽ biết nên mua sản phẩm gì.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng không nên quá sính ngoại khi mua hàng Nhật giá "trên trời" mà nên ủng hộ nông sản Việt. Một người Việt Nam đang sống ở Nhật cho biết: "Tôi đã sống ở Nhật Bản hơn 10 năm, đã đi rất nhiều vùng miền, ăn thử nhiều loại khoai của Nhật nhưng tôi thấy không ngon bằng khoai Việt Nam".