Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đạt mức kỷ lục

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đang có nhiều chiều hướng tích cực.

Chú thích ảnh
"Đại gia" Thái Lan mua lại Sabeco là thương vụ cổ phần hóa DNNN lớn nhất trong nhiều năm qua với giá trị đạt 5 tỷ USD. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Tuy không phải là xu hướng mới nhưng sự tăng trưởng liên tục trong vài năm gần đây đã góp phần không nhỏ giúp kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tăng lên đáng kể.  

Điểm lại thành tích thu hút FDI trong năm 2018, ông Toàn cho biết, Việt Nam đã có 1 năm khá hiệu quả trong việc thu hút nguồn vốn FDI; không những đã giữ vững được đà tăng trưởng của năm 2017 mà còn đạt mức giải ngân kỷ lục với 19,1 tỷ USD.

Để có được con số giải ngân kỷ lục như trên là do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường giải ngân để hoàn thành các công trình xây dựng nhà máy sản xuất, thêm vào đó, cũng là nhờ việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đã đạt mức kỷ lục. Đây cũng sẽ là xu hướng đầu tư có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019.

Năm 2018, việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đã tăng 160% so năm 2017 và đạt mức 9,9 tỷ USD. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân FDI trong năm 2018 cũng tăng theo và đạt con số kỷ lục. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã có thương hiệu và đã có sự trưởng thành để các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin và quyết định cùng tham gia vào các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thêm vào đó, đây cũng là kết quả của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn Nhà nước đã đạt những bước tiến đáng kể, ông Toàn khẳng định. 

Cũng như năm 2018, năm 2019, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến việc chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc.  Cách đây khoảng 2 - 3 năm, các doanh nghiệp Trung Quốc thường chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và thường quan tâm tới thương mại nhiều hơn. Tuy nhiên, năm vừa qua và những năm tới đây, họ đã định hướng và thay đổi chiến lược đầu tư.

Vì thế, không chỉ nhà đầu tư từ các nước khác mà nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang rất quan tâm và kỳ vọng đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, mang xuất xứ Việt Nam để được hưởng lợi đáng kể từ các cam kết hội nhập như ASEAN+, ASEAN cùng rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

Cùng có chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, Học viện Tài chính, cho rằng, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đã và đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, thậm chí sẽ có nhiều triển vọng hơn nữa vào những năm sắp tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với lĩnh vực này.

Cụ thể như, các quy định về hoạt động mua bán - sáp nhập được quy định tại nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; nội dung đề cập còn rất chung chung, chưa có hệ thống chi tiết. Điều này vừa làm cho các chủ thể tham gia hoạt động mua bán - sáp nhập gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời, khiến các cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất khó kiểm soát.

Thêm vào đó, là trình độ hiểu biết về nghiệp vụ mua bán - sáp nhập của nhiều công ty, doanh nghiệp còn rất hạn chế, khiến cho họ không thể tự mình tìm kiếm đối tác phù hợp. Cùng với đó, là tâm lý khép kín, bên bán thường e ngại cung cấp thông tin. Điều này một phần cũng do sự phát triển của các cầu nối, chắp mối cho bên mua và bên bán lại với nhau chưa mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng.

Hiện nay, có khá nhiều công ty chứng khoán, tư vấn tài chính, kiểm toán tham gia làm vai trò trung gian, môi giới cho các bên trong một số thương vụ mua bán - sáp nhập. Tuy nhiên, do những hạn chế về hệ thống luật, nhân sự, tính chuyên nghiệp, cơ sở dữ liệu, thông tin... nên các đơn vị này chưa thực sự trở thành trung gian thiết lập một thị trường công khai để các bên mua - bán có thể gặp nhau.

Ngoài ra còn có vướng mắc khi tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh. Thêm nữa, việc định giá quá cao trong một số thương vụ hay tình trạng báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch cũng gây ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp...

Thạch Huê (TTXVN)
Làm rõ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập một số doanh nghiệp y tế
Làm rõ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập một số doanh nghiệp y tế

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ thanh tra, làm rõ quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN