Sau nhiều năm vật lộn khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc đại suy thoái 2007-2009, kinh tế Mỹ giờ đây được đánh giá đã giành lại được vị thế vốn có là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu.Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: THX/ TTXVN |
Đánh giá chung, công bố ngày 12/1, của các nhà kinh tế thuộc 3 tập đoàn tài chính-ngân hàng gồm JPMorgan Chase & Co. của Mỹ, Deutsche Bank AG của Đức và BNP Paribas SA của Pháp xác định kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã trở lại vị trí “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu, sau 15 năm chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nền kinh tế lớn mới nổi.
Với tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 3,2% trong cả năm, sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2014 là ngoạn mục nhất trong vòng gần 10 năm qua.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2014 là năm đầu tiên kể từ năm 1999 tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ không bị xếp sau tốc độ phát triển chung của kinh tế toàn cầu.
Thậm chí, với tốc độ tăng GDP đạt 4,6% trong quý 2 và 5,0% trong quý 3, kinh tế Mỹ trong năm 2014 được nhìn nhận là điểm sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh u ám hơn của nền kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế khu vực 18 nước sử dụng đồng euro và 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng chậm lại hoặc rơi vào suy thoái.
Năm 2014, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được tổng cộng hơn 3 triệu việc làm mới, cao nhất trong vòng 15 năm. Chi tiêu của người tiêu dùng, đóng góp hơn 70% vào guồng máy kinh tế, tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ cải thiện của nền kinh tế Mỹ.
Với tổng số 11.500 tỷ USD, chi tiêu cá nhân của người Mỹ trong năm 2013 lớn hơn GDP của mọi quốc gia, kể cả nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank dự báo GDP của Mỹ năm 2015 có thể tăng tới 3,7%, đóng góp khoảng 18% vào tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 3,6% của nền kinh tế toàn cầu.
TN