Năm 2018, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 40 tỷ USD

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới...

Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Đây là những chỉ tiêu quan trọng được Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra tại Nghị quyết số 431-NQ-BCSĐ, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ.

Nghị quyết nên rõ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của cả nước và của ngành; bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2018, Nghị quyết nêu ra nhiều nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi) và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Hoàn thành tốt các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tạo sự chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, trọng tâm là tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải quan một cửa liên thông; tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020… Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.


Ngoài ra, huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện kiểm tra tận gốc hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu tạo thuận lợi cho việc thông quan tại cửa khẩu và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trong giai đoạn thông quan.

Thành Trung (TTXVN)
Cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong cơ cấu ngành nông nghiệp
Cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong cơ cấu ngành nông nghiệp

Sáng 4/1, giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đặt yêu cầu cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung phát triển nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN