Năm 2019, ngành da giầy đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 21,5 tỷ USD

Tại hội nghị tổng kết ngành da giày - túi xách năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 diễn ra ngày 26/12, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, ngành da giầy đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD trong năm 2019, chỉ số sản xuất tăng trên 10% so với năm 2018.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Khách tham quan tại Hội chợ - Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Da & Giày 2018. Ảnh:  Mỹ Phương/TTXVN

Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi sách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.

Đặc biệt, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018 - 2019 để tránh tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, xuất khẩu da giày năm 2019 sẽ tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, 11 tháng đầu năm 2018 Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt 14,61 tỷ USD, tăng 10,9%. Xuất khẩu valy-túi-cặp các loại đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 17, tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm 2018 xuất khẩu đạt 19,5 tỷ USD. Đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8%.

Bà Xuân phân tích, hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước; trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Năm thị trường có kim ngạch lớn nhất (chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu) gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một số thị trường có kim ngạch tăng cao như Mỹ, tăng trên 10%; Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trên 20%, chủ yếu nhờ các hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam với các nước này.

Đây cũng là những thị trường lớn của Việt Nam trong xuất khẩu các sản phẩm túi, cặp khi chiếm tới 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu va-li - túi. Theo LEFASO, xuất khẩu túi, va-li, ví, cặp của Việt Nam có xu hướng đạt thấp và giảm do cạnh tranh mạnh với các nước xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành đã có sự bứt phá, duy trì ổn định, do vậy doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất, đáp ứng nhu cầu cho thị trường, cần phải có kết nối FDI và trong nước.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày, tập trung hỗ trợ cho ngành về chất liệu, nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ mới để ngành phát triển ổn định, có chiến lược rõ ràng thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ trong vốn, công nghệ, đất đai, tín dụng...

Theo đó, ông Hưng đề nghị tới đây ngành cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược phát triển ngành phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.

Hằng Trần (TTXVN)
Da giầy Việt Nam khắc phục điểm yếu đón FTA
Da giầy Việt Nam khắc phục điểm yếu đón FTA

Ngành da giầy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại các thị trường khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN