Phóng viên TTXVN đã ghi lại các ý kiến chuyên gia, Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính: Cần chế tài nghiêm minh
Về tổng thể, ngân sách có 3 khoản là chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ. Trong năm qua và một số năm trước đó, Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực xứng đáng được ghi nhận với những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa lại là chuyện khác.
Tôi thấy rằng, đối với chi thường xuyên cần phải tiếp tục cắt giảm bộ máy hành chính. Vì đây là khoản chi nhân theo đầu người nên nếu không cắt giảm sẽ khó có thể giảm được chi thường xuyên. Nếu giảm được nguồn chi thường xuyên, ta sẽ có nguồn bổ sung cho chi đầu tư và việc phân bổ nguồn lực vào các dự án đầu tư sẽ dễ thở hơn. Đây là góc nhìn chiến lược cũng đã được nhiều chuyên gia đề cập tới. Việc chi đầu tư nếu muốn đạt hiệu quả hơn chắc chắn phải tính tới việc ưu tiên các dự án và xây dựng các tiêu chí sàng lọc dự án nào cần đáp ứng trước, dự án nào có thể xếp sau đó.
Với chính sách pháp luật về đầu tư như hiện nay, quá trình giải ngân đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc phân loại dự án nào là cần thiết đầu tư ngay, dự án nào là không cần thiết thì vẫn chưa rõ ràng. Nên xác định tiêu chí ưu tiên đầu tư sẽ giúp ích cho các cơ quan chức năng trong phê duyệt dự án.
Trong việc quản lý ngân sách, cốt yếu là phải làm rõ được quy trình quản lý kiểm soát; trong đó, tất cả các khâu đều cần phải có trách nhiệm. Khi có việc gì đó nảy sinh có thể truy ngay được trách nhiệm thuộc về ai. Hiện quy trình xử lý công việc trong bộ máy hành chính chưa chặt chẽ, chỉ có một số khâu có trách nhiệm, thậm chí quy định về chịu trách nhiệm cũng không được nêu rõ ràng…
Đây chính là điểm yếu kém trong quản lý ngân sách. Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây, cấp trên sẽ ra các quyết định và cấp dưới chỉ việc thực hiện. Quy trình này dẫn tới việc xử lý rất chậm, quá trình thông tin đi từ trên xuống xong lại từ dưới lên phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian, hiệu quả thu được thấp, nhiều khi bỏ lỡ cơ hội đầu tư hoặc kinh doanh.
Bước sang cơ chế quản lý mới với mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã có sự phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm… Thực sự là ưu việt hơn, nhưng cần sự rõ ràng, chuẩn mực và nghiêm minh về cơ chế xử phạt như vậy mọi việc mới dễ thực hiện… Khi làm tốt không được thưởng và làm không tốt không bị phạt thì không bao giờ có động lực và đem lại hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều công trình, dự án bị “than phiền” là không hiệu quả, kém chất lượng, chậm tiến độ hay phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc… Mấu chốt nằm ở chỗ không có ai chịu trách nhiệm cụ thể, nên hiệu quả sẽ không bao giờ có thể được nâng lên. Tôi thấy rằng, cần phải có chế tài xử phạt chứ không thể chỉ là hình thức khiển trách… Chế tài cần nghiêm minh và đủ sức nặng răn đe. Đó là việc chúng ta chưa làm được và cần phải làm. Kỷ luật tài chính, quản lý ngân sách hiệu quả…tốt hay không, hiệu quả hay không chính nằm ở chỗ này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Vẫn còn yếu tố không bền vững
Trong những năm gần đây, việc thu chi ngân sách có những dấu hiệu tốt. Cụ thể là năm 2018, thu thực tế vượt 8% so với kế hoạch; trong đó thu ngân sách Trung ương lần đầu tiên sau 3 năm vượt kế hoạch.
Chính vì thu ngân sách vượt nên làm cho bội chi đã giảm đi, vì kế hoạch bội chi là 3,7%, còn thực tế là 3,46%. Như vậy, bội chi giảm làm cho nợ công cũng giảm theo, từ chỗ kế hoạch là 61,4% giảm xuống còn 58,3%.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào các yếu tố cấu thành thì phần tăng thu ngân sách lại tăng từ đất đai, đây lại là yếu tố không bền vững. Trong khi đó, thu từ khu vực sản xuất của các doanh nghiệp lại hầu như không đạt ở 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 91%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 96%; thấp nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt 86,3%. Như vậy, đặt ra vấn đề sức khoẻ của khu vực doanh nghiệp chưa phải là cao, hoặc là chưa quản lý tốt nguồn thu tại khu vực này.
Có thể thấy khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù tạo ra mức tăng trưởng rất lớn với doanh thu tăng nhanh nhưng nhiều doanh nghiệp lại báo cáo lỗ; thậm chí có doanh nghiệp báo cáo lỗ âm cả vào vốn nhưng lại vẫn mở rộng sản xuất. Tôi cho rằng, rõ ràng có vấn đề trong việc quản lý thu ngân sách từ khu vực này.
Liên quan đến tình trạng để thất thu trong khu vực doanh nghiệp FDI, vấn đề ở đây không phải là kỷ luật ngân sách, mà là các giải pháp làm sao để chống được tình trạng chống chuyển giá của các doanh nghiệp này.
Thực tế, tình trạng chống chuyển giá đã nói rất nhiều, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Theo tôi, giải pháp tổng thể là phải đưa ra được một hệ thống thông tin không chỉ ở trong nước mà phải nhìn ra cả ở nước ngoài. Như vậy, trong Luật Quản lý thuế hiện nay phải đặt ra vấn đề về việc hợp tác quốc tế trong thông tin, đảm bảo không để các doanh nghiệp lợi dụng, che đậy thông tin đưa vào khai báo những giá không đúng.
Về lâu dài phải đưa vào hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI hiện đang chiếm trọn khâu này mà chúng ta không tham gia, không biết được nguồn cung ứng, nguyên liệu, chi phí đó như thế nào? Việc khai báo thông tin đều nằm trong chuỗi hoạt động của doanh nghiệp FDI, từ đó họ che giấu được thông tin, lợi nhuận... Nếu có doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi đó, thì việc chuyển giá, chuyển thuế của các doanh nghiệp FDI sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, việc thất thu thuế cũng có trách nhiệm của địa phương vì các doanh nghiệp do địa phương quản lý. Và nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế, thì trách nhiệm thuộc cơ quan thu thuế của địa phương. Còn việc để xảy ra tình trạng trốn thuế thì không còn là việc của địa phương mà nó phải nằm ở tầm quốc gia hoặc hợp tác quốc tế.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên): Có giải pháp chống thất thu
Nhìn lại năm 2018, mặc dù thu ngân sách vượt kế hoạch nhưng qua báo cáo kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước cho thấy còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu chủ yếu dựa vào các nguồn thu ngắn hạn từ đất, dầu thô, số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đều giảm cho thấy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Về chi đầu tư phát triển, mặc dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 75,8%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 48,1% và vốn nước ngoài đạt 53,6% dẫn đến nguồn lực đầu tư công tồn dư lớn trên 93.000 tỷ đồng. Hiệu quả sử dụng vốn thấp, lãng phí nguồn lực. Tình trạng này kéo dài sang năm nay.
Liên quan đến việc quản lý các nguồn thu, chống thất thu. Tôi cho rằng, tình trạng trốn thuế, nợ thuế, quyết toán sai vẫn chưa được khắc phục, đây là vấn đề không hề mới nhưng vẫn tồn tại qua nhiều năm. Cụ thể, qua kiểm toán kiến nghị nộp ngân sách nhà nước năm 2015 là 8.200 tỷ đồng; năm 2016 là 11.200 tỷ đồng và năm 2017 là 19.109 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2017, còn có nhiều dự án đầu tư chưa làm tốt việc chuẩn bị đầu tư nên dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Cá biệt có những dự án điều chỉnh 39 lần, việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án chậm chiếm 23,4%.
Tôi cho rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên và những vi phạm về quản lý tài chính ngân sách đã được Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm và đã có Nghị quyết số 58 ngày 12/6/2018 giao Chính phủ kiểm điểm kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý ngân sách nhà nước. Nhưng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 thấp hơn năm 2015, 2016. Năm 2017 đạt 73,2%, năm 2015 đạt 75,6% và năm 2016 đạt 78,2%.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp chống thất thu trong thời gian tới và bổ sung báo cáo trước Quốc hội về xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm quản lý, sử dụng ngân sách.