Ngân hàng ‘ngóng’ tiêu chí môi trường và danh mục dự án xanh

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đến nay tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ toàn ngành còn thấp. Bà Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, để thúc đẩy thực hành Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG), xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN có quy định nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, do báo Đầu tư tổ chức, Ths. Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), chia sẻ: Hiện tín dụng xanh chiếm trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung vào ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Tính đến hết tháng 9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Chú thích ảnh
Ths. Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, do báo Đầu tư tổ chức sáng 19/11, tại Hà Nội.

Các TCTD đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

"Các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững; đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế”, bà Thu Giang cho biết.

Chú thích ảnh
Việt Nam tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.

Theo bà Hà Thu Giang, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành Ngân hàng, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN.

“NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh Quốc gia; tạo điều kiện cho TCTD tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam…”, bà Hà Thu Giang cho biết.

Để các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, theo lãnh đạo NHNN cần phải có sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan.

Cụ thể: Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các TCTD có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.

“NHNN kiến nghị phải hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG; đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh”, bà Hà Thu Giang đề xuất.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Về phần mình, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chia sẻ: Các nước châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn rất gắt gao đối với hàng hóa xuất sang. Các doanh nghiệp không đạt được chứng chỉ về vấn đề môi trường hay giảm sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu vào. Điển hình lĩnh vực may mặc, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn và chứng chỉ đánh giá giảm thải phát thải carbon, sản phẩm chưa chắc đã nhập khẩu được vào các quốc gia này.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân nên việc tập trung tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết.

Tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặt khác thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.                                 

Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng xanh
Doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng xanh

Sáng 11/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực Ngân hàng. Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó có tín dụng xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN