Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ra thông báo yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Nội dung thông báo nêu rõ: các ngân hàng phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng… Đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Nhằm hiện thực hoá các nội dung này, một số hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh truyền thông để khách hàng nắm bắt, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại ngân hàng đúng quy định. Đồng thời, tăng cường việc tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Điển hình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã phát thông báo gửi đến toàn thể khách hàng, hướng dẫn theo dõi và quản lý nguồn tài chính của mình, khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Sacombank có thể tra cứu từ xa thông tin về thẻ tiết kiệm thông qua 2 cách. Trong đó, khách hàng chỉ cần đăng ký thủ tục một lần duy nhất tại bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank hoặc đăng ký trực tuyến trên trang web của ngân hàng này để tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử Sacombank, gồm: Internet Banking, ứng dụng Mobile Banking hoặc Mobile Banking Web… có thể tra cứu được thông tin thẻ tiết kiệm bằng cách vào mục tài khoản\tài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử.
Theo đại diện Sacombank, với hai cách tra cứu này khách hàng có thể thực hiện từ xa và ở bất cứ nơi nào đối với tiền gửi tiết kiệm tại Sacombank. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như: số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, mới đây trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến vụ việc khách hàng bị mất tiền khi gửi tại ngân hàng Eximbank tại họp báo thường kỳ Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Ngân hàng Nhà nước và Eximbank sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tiết kiệm và xem đó là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù cả cơ quan quản lý nhà nước và các hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang chủ động vào cuộc nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với lĩnh vực tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra lo lắng với tài sản của mình. Đặc biệt, những người dân làm công ăn lương hay đối tượng hưu trí, gửi tiền tiết kiệm để mong có thêm chi phí chi tiêu hàng tháng, nhưng lại đối mặt với nguy cơ “mất cả vốn lẫn lời”.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bà Trần Thị Mai Thu, cư ngụ tại quận Bình Thạnh cho hay, tôi mới mở tài khoản gửi tiết kiệm một vài năm gần đây. Vì lớn tuổi và không hiểu biết về thủ tục, quy định của ngành ngân hàng nên nhân viên ngân hàng hướng dẫn thế nào thì làm theo như vậy. Khi nắm bắt thông tin vụ khách hàng mất tiền gửi ở ngân hàng, tôi cũng cảm thấy không an tâm, nhưng giờ không gửi tiền vào ngân hàng thì cũng không biết để đâu cho an toàn.
Để phòng tránh rủi ro đối với lĩnh vực tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mỗi tháng ít nhất một lần khách hàng nên kiểm tra tài khoản một lần để theo dõi lịch sử giao dịch. Hoặc để giám sát, kiểm tra các hoạt động giao dịch, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để nhận thông tin biến động tài khoản kịp thời.
Ông Bùi Quang Tín, Giảng viên, Trường đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thường cắt cử nhân viên hỗ trợ làm thủ tục đối với khách hàng và có thể mở tài khoản tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm mà khách hàng yêu cầu. Đây là một trong những phương thức được các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đang áp dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ chân khách hàng.
Trước bối cảnh này, ông Bùi Quang Tín khuyến cáo trong nhiều trường hợp khách hàng Vip giao dịch tiền gửi tiết kiệm, đại diện phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng không thực hiện đầy đủ thủ tục, văn bản cho khách hàng ký hay đánh tráo hồ sơ. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi phần lớn rủi ro thuộc về khách hàng nên người dân cần chủ động thực hiện những giao dịch tại quầy của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để có sự giám sát, bằng chứng khi xảy ra sự cố.
Nhìn nhận về những vụ việc tài khoản tiết kiệm của khách hàng “bốc hơi” tại một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không ký tên vào những văn bản khống, chứng từ bỏ trống nội dung và khi thực hiện thủ tục tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm cần nắm rõ thông tin về quy định pháp luật trong ngành ngân hàng. Song song đó, khi nhận hồ sơ, chứng từ, sổ tiết kiệm…, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin, chỉ duy trì thực hiện một mẫu chữ ký cố định và bảo quản các giấy tờ này cẩn thận.
Đối với vụ việc tài khoản tiết kiệm của khách hàng Eximbank bị “bốc hơi”, Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh nhận định, cũng như nhiều vụ án nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng đã xảy ra trong thời gian qua, đa số đều có yếu tố khách hàng tin tưởng nhân viên ngân hàng dẫn đến tâm lý chủ quan đối với các thủ tục giao dịch cũng như tài sản cá nhân. Chính vì vậy, khi vụ việc được giải quyết tại tòa án thì rất khó có căn cứ, bằng chứng để cơ quan chức năng tuyên buộc ngân hàng trả tiền cho khách hàng bởi các thủ tục giao dịch đầy đủ theo quy trình luật định và tòa án phải tôn trọng chứng cứ trong nguyên tắc tố tụng.