Việc Anh rời EU dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Thứ nhất là đồng bảng Anh và đồng EU mất giá sẽ ảnh hưởng đến giá bán, giá mua của nhà nhập khẩu, giá chênh lệch giữa các đồng tiền cũng sẽ rẻ hơn. Hơn nữa, do biến động về tình hình chính trị như vậy nên sức mua của người tiêu dùng EU cũng như người Anh sẽ có sự thay đổi.
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Từ hai nguyên nhân trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp dệt may. Cụ thể, về đơn đặt hàng nguyên phụ liệu đặt mua trước đã chốt giá với nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng khi tỷ giá thay đổi có thể phải đàm phán lại, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả giá đầu vào của sản phẩm. Như vậy sẽ liên quan đến đơn hàng dài hạn của doanh nghiệp ít nhất từ năm 2017 trở đi. Nhưng ngay trong quý IV năm nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp, như vậy đơn hàng năm 2017 sẽ chững lại.
Một nguyên nhân nữa liên quan đến tính toán kết cấu thị trường, kết cấu mặt hàng. Trước đây sản phẩm vào cùng một khối EU, nhưng nếu Anh rời EU thì việc đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU có thể phải xem xét lại. Như vậy, việc Anh rời EU đối với Việt Nam còn ảnh hưởng bao nhiêu và như thế nào thì chưa biết cụ thể.
Trước mắt, việc này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm người lao động Việt Nam. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU trong năm nay ngoài dự định.
Để hạn chế những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Anh, EU, theo tôi cần thúc đẩy các thị trường truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thời mở rộng các thị trường mới như Nga, Đông Âu bằng các dòng sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cũng như các nước khác để tạo dựng, đa dạng hóa các dòng sản phẩm cung ứng thị trường mới, truyền thống lớn. Chẳng hạn Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương thì các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi cung ứng để tạo ra lợi ích từ các hiệp định này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng đàm phán với các nhà nhập khẩu các nước trong khối EU còn lại để không bị tác động quá sâu bởi việc Anh rời khỏi EU làm ảnh hưởng tới hiệu quả bền vững của doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ, để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may cũng như các ngành nghề khác, Chính phủ sớm đẩy nhanh các bước để sớm ký kết Hiệp định thương mại với các nước thành viên còn lại của EU. Đồng thời đàm phán với Anh để tìm giải pháp về kết cấu các điều khoản trong Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Anh có khác với hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU, từ đó sớm thông tin cho doanh nghiệp.
Ông Phan Thế Vịnh, Giám đốc Công ty cổ phần May Nông nghiệp: Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu vào Anh; trong đó có Việt Nam. Bởi mỗi biến động của xã hội đều có mặt tích cực và tiêu cực. Với Công ty cổ phần May Nông nghiệp hiện mới xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Âu như Đức, Ý, Ba Lan... còn đối với thị trường Anh chưa có.
Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi EU nếu nhìn về mặt tích cực thì đây có thể là thị trường “ngách” để các doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty có thể đưa hàng vào thị trường này. Cũng như các nước Trung Quốc, Lào, hay Campuchia..., nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam “vận động tốt” thì đây có thể là cơ hội đưa sản phẩm dệt may Việt Nam vào Anh nhiều hơn.
Ông Đỗ Huy Trung - Giám đốc Công ty TNHH Trí Đức: Ít nhiều doanh nghiệp sẽ bị tác động
Là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dệt may nội địa - “Made in Vietnam” mang thương hiệu TDMEN, TDLADY, Fresh, các sản phẩm may mặc sản xuất tại Công ty Trí Đức được khách hàng đánh giá cao và đã xuất khẩu đi các thị trường chính là Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Việc Anh rời EU có tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu hay không thì dự kiến sau khi chính thức có những đàm phán giữa Anh và EU mới có thể đưa ra được đánh giá xác đáng.
Trước mắt doanh nghiệp chưa thấy khách hàng phản ứng liên quan đến việc trên, nên chưa tác động rõ đến doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp dệt may nói chung thì thị trường xuất khẩu chính là Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha... các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sang Anh rất ít, thậm chí không có. Như may Trí Đức vẫn chưa có đơn hàng xuất sang Anh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu Anh rời khỏi EU thì ít nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào Anh cũng bị ảnh hưởng do tác động của đồng bảng Anh và đồng USD. Bởi đối với Hiệp định thương mại Việt Nam đã đàm phán với EU thì những nước trong khối EU giữ nguyên, không có gì thay đổi. Nhưng sau khi Anh đã tách khỏi EU thì các điều khoản dịch vụ tài chính, dịch vụ ngân hàng của Việt Nam và Anh sẽ phải đàm phán lại từ đầu.
Riêng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào EU chiếm khoảng 19 - 20% tổng kim ngạch mặt hàng dệt may; trong đó, thị trường Anh chiếm khoảng 3,8 - 4%. |