Lệch pha cung – cầu
Công ty Cổ phần dệt Bảo Minh là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong sản xuất nguyên phụ liệu của ngành Dệt may, với nguồn vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, năng lực nhuộm sợi đạt 500 tấn/tháng, dệt 2,5 triệu mét vải/tháng, nhuộm hoàn tất 3 triệu mét vải/ tháng. Mặc dù đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, công ty đang cần liên kết với các doanh nghiệp may, để tham gia chuỗi liên kết sản xuất bền vững, đủ sức cạnh tranh với nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, ở góc độ DN may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, giữa các DN dệt và may đang có “độ vênh”. May 10 cũng đã gặp không ít thách thức khi tìm nguồn nguyên liệu trong nước. “Ngay khi Bảo Minh đi vào hoạt động, thì May 10 đã liên hệ để kết nối, song, những nguyên liệu May 10 cần, thì Bảo Minh không làm được, chất lượng đơn hàng không đạt...”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Thực tế trên đang diễn ra trong ngành Dệt may và trở thành nỗi trăn trở lớn của các DN. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong quý I/2020, hàng loạt nguyên phụ liệu các DN ký kết với đối tác nước ngoài không nhập về được, nguồn cung bị gián đoạn và thị trường xuất khẩu dệt may cũng bị phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu hàng nghìn mẫu mã, chủng loại của DN ngành may hiện nay không dễ và quá sức với các DN sản xuất nguyên phụ liệu, chưa kể tới bài toán chi phí. Không ít DN ngành Dệt may hiện đã từ bỏ ý định xây dựng nhà máy sản xuất vải, sau khi xây dựng kế hoạch đầu tư bài bản, vì dự báo đứng trước khả năng lỗ lớn.
Sớm có quy hoạch ngành
Ông Vũ Đức Giang cho biết, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho ngành Dệt may, nhất là về hạ tầng còn hạn chế. “Nguồn cung thiếu hụt và nếu không giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu trong nước, thì lợi ích từ việc giảm thuế của Hiệp định EVFTA, các DN sẽ không tận dụng được. Hiệp hội đã báo cáo trực tiếp với Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị cần thúc đẩy triển khai đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên phụ liệu hiện nay. Nếu nguồn cung không đáp ứng được, thì khi có các hiệp định thuế bằng không cũng không giải quyết được vấn đề. Vì nguồn gốc vải không phải xuất xứ từ Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Dệt may đề xuất Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ và ban hành Chiến lược phát triển ngành Dệt may đến năm 2040. Từ chiến lược này mới ra được quy hoạch các vùng để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp cho ngành Dệt may.
Ở góc độ DN, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Sông Hồng cho biết: Hiện nay, nhu cầu và khả năng cung ứng của ngành Dệt may cần có người “cầm trịch”, thống kê nhu cầu và khả năng đáp ứng, để các DN có thể kết nối với nhau.
“Nhà nước cần giữ vai trò “bà đỡ”, xây dựng cơ sở hạ tầng, vì điều này đòi hỏi nguồn vốn xây dựng lớn, DN không đủ sức làm. Nhà nước đứng ra xây dựng rồi thu tiền đầu tư từ thuế. Bên cạnh đó, cần sớm có quy hoạch vùng rõ ràng, vì hiện nay mạnh DN nào DN đó làm, địa phương nào cũng có ngành may, nhưng không thành quy mô và thiếu hiệu quả. Đồng thời, Hiệp hội Dệt may nên sớm tổng điều tra nhu cầu giữa các DN, kết nối giữa DN dệt và may, tạo thành chuỗi liên kết bền vững cho toàn ngành”, ông Thịnh cho hay.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh việc DN tự nâng cao năng lực sản xuất, bản thân DN cũng nên chủ động kết nối với các đối tác, để tránh tình trạng lệch pha cungcầu như hiện nay. Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp.
Mới đây, Bộ đã khai trương cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ, trong đó ngành công nghiệp dệt may có 1.400 DN được đưa vào hệ thống. Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2040, sớm trình Chính phủ để làm cơ sở xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm quy mô lớn, có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn để thu hút nhà đầu tư.
“Đây là nỗ lực không nhỏ của đơn vị quản lý, với mong muốn ngành Dệt may sớm tháo gỡ được điểm nghẽn thiếu nguyên phụ liệu và tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do”, ông Hải khẳng định.