Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho rằng, cần phải theo dõi chặt chẽ để có biện pháp chủ động ứng phó.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay vẫn có sự tăng trưởng khá, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm nay, tương đương trên 4,3 tỷ USD. Đến thời điểm này, những tín hiệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn ổn định và các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, nếu Mỹ đưa mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào danh sách thì sẽ có nguy cơ Trung Quốc chuyển hàng hóa sang Việt Nam. Bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Trung Quốc ở Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ rất mạnh sang Mỹ.
“Hiện Hiệp hội và các doanh nghiệp đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình này. Khi có hiện tượng xảy ra sẽ có những cảnh báo ngay”, ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ nội thất Bình Dương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty đồ gỗ nội thất Hiệp Long bày tỏ, trước mắt, xung đột và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể gây nên tác động tức thời tới các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành đồ gỗ nội thất của Bình Dương nói riêng.
Tuy nhiên, tiên liệu cho tương lai của ngành đồ gỗ xuất khẩu sẽ là rất khó khăn, nhất là với những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Tới đây, các cơ quan hải quan và những đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sẽ có nhiều việc phải làm.
Hiện nay, các doanh nghiệp đồ gỗ, đặc biệt là ở tại Bình Dương đang chủ động trong các khâu từ sản xuất, tìm kiếm thị trường cho đến xuất khẩu.... nên ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa thấy rõ. Nhất là trong danh sách các mặt hàng, sản phẩm chịu áp thuế từ Chính phủ Mỹ, chủ yếu là những sản phẩm mang tính kỹ thuật cao, chưa thấy có nhóm hàng đồ gỗ, đồ nội thất.
Nhưng, điều đáng lo ngại có thể nhìn thấy rõ là tới đây, sẽ có xu hướng các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc "tràn" sang Việt Nam; đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Hay Trung Quốc dịch chuyển xí nghiệp sản xuất sang nhằm tranh thủ thị trường Việt Nam để có chứng nhận xuất xứ mới cho sản phẩm. Đồng thời, hưởng các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới; cộng thêm lợi thế về chi phí lương nhân công giá rẻ...
Điều này sẽ gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước từ áp lực cạnh tranh về thị trường, áp lực về thu hút lao động... Ngoài ra, ông Huỳnh Quang Thanh cũng quan ngại khi xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ sẽ gia tăng đột biến với sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất đồ gỗ Trung Quốc có thể gây "tổn thương" tới các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ.
“Nếu trước đây, doanh thu xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ chỉ từ 3 - 5% mà tới đây tăng lên từ 15 - 20% thì chắc chắn sẽ khiến Chính phủ Hoa Kỳ xem xét tới mặt hàng này và nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá với đồ gỗ là khó tránh khỏi. Đó thực sự là khó khăn lớn đối với các nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam”, ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Thanh, từ trước tới nay, phía Trung Quốc đã bị áp thuế loại này đối với các sản phẩm đồ gỗ nội thất tại nước của họ. Nếu giờ họ dịch chuyển sang Việt Nam để thay đổi xuất xứ hàng hóa nhằm xuất khẩu sang Mỹ thì ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam sẽ gặp quá nhiều bất lợi.
Ông Thanh cho biết, đơn vị đã có nhiều khuyến cáo tới các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội, cần lưu tâm theo dõi sát sao diễn biến và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng đó, tập trung nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp và đầu tư, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.
Trước những lo ngại của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có các giải pháp từ lâu không để cho các doanh nghiệp Trung Quốc hay các nước khác coi Việt Nam là điểm trung chuyển đồ gỗ để xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà đầu tư chế biến gỗ đó phải thực sự sản xuất ở Việt Nam chứ không phải lấy mác Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.