Đứng thứ 2 khu vực châu Á về xuất khẩu đồ gỗ nhưng ngay tại sân nhà, người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm đồ gỗ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường
Sau khi hoàn thiện căn nhà mới, gia đình chị Thanh ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) dành thời gian tìm mua đồ gỗ trang trí nội thất. Tìm hiểu các con phố chuyên kinh doanh mặt hàng này, chị ngạc nhiên khi thị trường đồ gỗ vắng bóng thương hiệu nội, trong khi thương hiệu đến từ nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn quốc, Malaysia… thì tràn ngập. “Sản phẩm đồ gỗ của nước ngoài rất đa dạng về chủng loại, thiết kế bắt mắt, cập nhật nhanh xu hướng thiết kế thế giới mà giá cả phải chăng. Trong khi đó sản phẩm của DN trong nước thường đơn điệu, giá cả ít cạnh tranh”, chị Thanh cho hay.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương.Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN |
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, hiện ngành gỗ cả nước có khoảng 4.000 DN, trong đó gần 95% là doanh nghiệp tư nhân. Những DN đầu tư khai thác thị trường nội địa đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ hoặc những hộ chế biến cá thể thuộc các làng nghề. Còn những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư cao, công nghệ hiện đại… chỉ tập trung những đơn hàng xuất khẩu, phục vụ theo yêu cầu của những bạn hàng quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Trong khi đó, với hơn 1.000 làng nghề chế biến gỗ trong phạm vi toàn quốc nhưng do thiếu kênh phân phối, sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề vẫn đang khó khăn trên con đường chinh phục người tiêu dùng.
Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết hiện hơn 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước đang thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam không cao do DN chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất với quy mô gia đình, vốn ít nên rất khó thích nghi với sự thay đổi thường xuyên của thị trường; nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều nhập khẩu nên giá thành cao; công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, thiết kế sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Còn anh Nguyễn Hữu Toan, GĐ Công ty TNHH nội thất Toàn Thiên Ấn cho rằng đầu tư vào sản xuất đồ gỗ nội thất cho thị trường nội địa, DN phải có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, nắm bắt tốt nhu cầu của khách hàng vì mẫu mã liên tục thay đổi, tiềm lực tài chính phải mạnh để đầu tư xây dựng kênh bán hàng chuyên nghiệp… Tuy nhiên, rất nhiều DN vẫn chưa bắt nhịp được với nhu cầu tiêu dùng để đưa ra xu hướng thiết kế phù hợp với không gian nội thất, còn lúng túng trong cách tiếp cận thị trường. Riêng các DN xuất khẩu trước đây vốn quen với những dây chuyền sản xuất hàng loạt, hiện đang gặp nhiều khó khăn khi phải thay đổi theo mô hình sản xuất đồ gỗ nhỏ lẻ.
Khai thác tiềm năng thị trường nội địa
Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng kinh doanh ngành đồ gỗ”, được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh rất nhiều đại biểu cho rằng thị trường gỗ nội địa với nhu cầu tiêu dùng của gần 90 triệu dân vẫn còn tiềm năng, ước tính khoảng 1 tỉ USD/ năm. “Hiện mỗi năm, mỗi hộ gia đình Việt bỏ ra khoảng 6 triệu đồng để mua sắm các mặt hàng đồ gỗ. Trước thời điểm suy thoái kinh tế, giá trị thương mại đồ gỗ nội địa đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Với sự hồi phục kinh tế, tiêu dùng nội địa năm 2014 nhiều khả năng đạt 2 tỷ USD trở lên và sẽ tăng thêm vào những năm tới”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh lạc quan.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần nhanh chóng có chính sách cụ thể bao gồm: khuyến khích đầu tư bằng chính sách thuế, có giải pháp giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính, tín dụng ưu đãi; hình thành những khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ… Ngoài ra, cần quan tâm tăng cường kết nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để tận dụng, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, phát triển thị trường. Các DN phải đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng cũng như đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm…
“Kinh doanh thị trường trong nước có nhiều lợi thế như: nhu cầu ổn định, DN chủ động sáng tạo mẫu mã và điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường, kế hoạch sản xuất ổn định… Tuy nhiên, để trở lại thị trường nội địa thành công các DN cũng cần phải có sự liên kết chặt chẽ nhằm tạo chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với thị trường”, anh Toan nói thêm.
Lê Nghĩa