Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, ngành in Việt Nam gần đây chịu sự tác động mạnh của công nghệ nghe nhìn, internet dẫn đến sự suy giảm tốc độ phát triển, tuy nhiên hàng năm ngành in vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước.
Theo đó, số lượng cơ sở in tăng đều mỗi năm từ 5-7%. Riêng năm 2020, doanh thu toàn ngành in vẫn duy trì ở con số trên 94.000 tỉ đồng. Các cơ sở, doanh nghiệp in cũng đang áp dụng công nghệ, thiết bị in lớn với quy mô đầu tư hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu in trong nước và in gia công cho nước ngoài với chất lượng ngày càng cao. Mặt khác, ngành in Việt Nam cơ bản tiếp cận được các máy móc, thiết bị in hiện đại của thế giới trong tất cả các công đoạn sản xuất in với mức độ tự động hóa cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, quy mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển rõ rệt nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, cả nước có trên 2.000 doanh nghiệp ngành in với doanh thu hàng năm vào khoảng 4,2 tỉ USD và đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp ngành in đang tăng nhưng phần lớn doanh nghiệp in ở nước ta có quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ trên 90%, vì vậy việc chuyển đổi công nghệ in vẫn còn khá chậm. Ngoài ra, năng lực đào tạo các kỹ thuật viên ngành in của các trường cũng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường để phát triển ngành in.
Theo ông Nguyễn Nguyên, sắp tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 60 và Nghị định số 25 của Chính phủ quy định về hoạt động in; xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in... ra cả nước.
Ngoài ra, Cục cũng sẽ rà soát, kiến nghị các cơ quan nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp in trước tác động của dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in; tăng cường thường xuyên hợp tác với các nước có ngành in phát triển để cử sinh viên, cán bộ đi học tập và đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực cho ngành in phù hợp với sự phát triển của thế giới.