Đoàn kiểm tra cải cách hành chính do ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Chinh /TTXVN |
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ, trong các thủ tục hành chính phải ưu tiên các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu; trong đó liên quan chính đến Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy sản; đặc biệt là ban hành công bố danh mục mã HS.
“Lần rà soát này, dứt khoát một việc chỉ liên quan một đối tượng. Không có chuyện một việc phải đi qua mấy đơn vị”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Theo ông Ngô Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra, kiểm dịch theo hướng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu đã chuyển phương thức kiểm tra trước trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận ngay khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc (8 giờ) cho 1 lô hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thực tế nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ.
Về rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát 49 văn bản cần sửa đổi, bổ sung thay thế theo yêu cầu của Quyết định 2026/QĐ-TTg về đề án giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, có 15 văn bản đã sửa đổi, bổ sung, thay thế; 6 văn bản tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thay thế; đã ban hành công bố danh mục mã HS đối với 26 văn bản, còn 2 văn bản tiếp tục phố hợp với Tổng cục Hải quan để hoàn thiện áp mã HS.
Rà soát danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị rà soát doanh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực quản lý theo hướng tránh chồng chéo, giảm đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu.
Chỉ thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu đối với các loại hàng hóa có nguy cơ lây lan dịch bệnh (kiểm dịch thực vật; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, thủy sản); đối với hàng hóa chỉ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện theo hướng quản lý rủi do sau thông quan.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị công khai đối với 123 thủ tục hành chính lĩnh vực lâm nghiệp. Các thủ tục hành chính của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật đã cập nhật xong nhưng chưa đề nghị công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành xây dựng Cổng dịch vị công trực tuyến của Bộ (tại địa chỉ: http://dvc.gov.vn); xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 8 thủ tục hành chính đối với 2 nhóm dịch vụ công tại 2 đơn vị (Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chăn nuôi). Đến ngày 8/8/2017, hai đơn vị trên đã tiếp nhận và xử lý 3.104 hồ sơ.
Ông Ngô Hồng Giang cho biết, Bộ tiếp tục hoàn thiện các chuỗi thủ tục hành chính thực hiện theo nhóm đối với 18 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong quản lý vật tư nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm.
Cụ thể: cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; công nhận thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam; cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; công nhận thức ăn thủy sản sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam; kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Bộ đã tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ cơ cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia với 122.741 hồ sơ; trong đó từ đầu năm đến 8/8/2017 đã tiếp nhận 79.440 hồ sơ và đã xử lý, giải quyết 75.623 hồ sơ.
Theo ông Ngô Hồng Giang, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính nhưng so với các bộ, ngành khác vẫn còn rất chậm. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định về chuẩn hóa, công bố, công khai và cập nhật toàn bộ thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ thông tin với một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại các đơn vị: Cục Trồng trọt, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Tổng cục Thủy sản; triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Theo ông Ngô Hồng Giang, thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi do trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Ban hành doanh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, kiểm tra ít nhất.