Nghịch lý thực phẩm ‘sạch’ loay hoay tìm đầu ra, người dân vẫn phải dùng thực phẩm ‘bẩn’

Việc quản lý chuỗi thực phẩm an toàn tại các tỉnh phía Nam đang tồn tại một nghịch lý: đó là người trồng sản phẩm nông nghiệp “sạch” thì không tìm được đầu ra, trong khi người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải tiêu thụ thực phẩm “bẩn”.

Điều này, không chỉ gây ra sự lãng phí về tiền bạc, công sức của bà con nông dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng.


Rời vùng quê nghèo Nam Định, chị Trần Thị Sợi cùng gia đình vào xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để lập nghiệp. Gia đình chị Sợi thuê 5.000 ha đất nông nghiệp để chuyên canh trồng rau sạch. Với kinh nghiệm nhiều năm canh tác, vườn rau sạch của anh chị mỗi ngày đều phát triển và cho sản lượng khá cao. Tuy nhiên, sản lượng cao cũng không khiến chị Sợi và gia đình vui bởi các hợp đồng tiêu thụ rau sạch chỉ giúp tiêu thụ 30 - 40% sản lượng, còn lại đều phải bán ở chợ với giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Người nông dân trồng rau "sạch" vẫn loay hoay đi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Lê Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Tam Thôn, trên địa bàn xã có 10 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, còn lại vẫn trồng rau theo phương pháp truyền thống. Trong số những hộ trồng rau theo tiêu chuẩn sạch chỉ một số ít kết nối được với những kênh tiêu thụ ổn định, còn lại chủ yếu vẫn mang sản phẩm ra chợ đầu mối hay các chợ lẻ để bán. “Mặc dù là rau sạch nhưng cũng khó cạnh tranh vì rau sạch có mẫu mã không bắt mắt, giá thành cao hơn so với các loại rau thông thường nên người tiêu dùng cũng e ngại”, ông Mẫn cho biết thêm.


Tương tự như bà con ở xã Thới Tam Thôn, bà con trong hợp tác xã sản xuất rau an toàn Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc, Long An) cũng trong cảnh ngộ khi đang loay hoay kiếm đầu ra cho sản phẩm rau “sạch”.


Ông Đặng Duy Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Phước Thịnh, cho biết hợp tác xã có hơn 40 xã viên với hơn 20 ha chủ yếu là sản xuất các loại rau ăn lá, rau gia vị và củ quả. Dù bà con rất muốn làm thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng đầu ra hiện nay không đáp ứng được sản lượng rau sạch do bà con xã viên sản xuất. Vì vậy, nhiều bà con xã viên phải bán cho thương lái bên ngoài mỗi ngày từ 5 - 10 tấn rau. Chính việc bán bên ngoài khiến giá cả bấp bênh, nhiều lúc bị thương lái ép giá khiến nhiều xã viên không dám mở rộng diện tích đất canh tác rau an toàn.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác gần 4.000 ha, trong đó diện tích rau đạt chứng nhận VietGAP là hơn 1.500 ha, sản lượng ước tính gần 28 nghìn tấn/năm, rất nhỏ so với nhu cầu khoảng 1 triệu tấn rau/năm của thị trường thành phố. Khoảng gần 50% số lượng rau an toàn sản xuất ra được cung cấp vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi; hơn 42% lượng rau được tiểu thương mua trực tiếp tại nơi sản xuất, sau đó phân phối tại các chợ đầu mối đến hàng trăm chợ lẻ trên địa bàn. Số còn lại được nông dân tự phân phối cho nên người nông dân hay bị tình trạng ép giá.

Người tiêu dùng muốn sử dụng các sản phẩm rau "sạch" để đảm bảo sức khỏe.

Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho hay, nguồn thực phẩm “sạch” đang được cung ứng trên địa bàn không chỉ ở các kênh hiện đại mà còn ở các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Sở dĩ sản phẩm “sạch” hiện chưa tìm được đầu ra là do người sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đa đạng được sản phẩm để thu hút khách hàng. Để có đầu ra cho sản phẩm, người nông dân cần liên kết với nhau thành quy mô lớn để có trách nhiệm giám sát bảo đảm các quy trình sản xuất với chi phí hợp lý. Ngoài ra, sản phẩm “sạch” cũng cần đa dạng hóa bởi người tiêu dùng cũng có nhiều nhu cầu khác nhau.


Hiện nay, trên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh phía Nam đang tồn tại nghịch lý: Người sản xuất rau sạch không tìm được đầu ra nhưng người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ thực phẩm “bẩn”. Vì vậy, để giải quyết nghịch lý này, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý phải cùng vào cuộc. Theo đó, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh có thể làm trung gian kết nối giữa người nông dân với các đơn vị thu mua để hai bên gặp gỡ, kết nối, từ đó người tiêu dùng mới mong có sản phẩm “sạch”.


Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết bản thân nông dân muốn sản xuất và kinh doanh rau sạch. Vấn đề vướng mắc hiện nay là đưa những sản phẩm này đến tận tay người tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để phối hợp cùng các đơn vị xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, vừa giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm và người tiêu dùng cũng được sử dụng sản phẩm “sạch”, an toàn.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Nhiều kiến nghị của cử tri về nông nghiệp, nông thôn, môi trường biển
Nhiều kiến nghị của cử tri về nông nghiệp, nông thôn, môi trường biển

Ngày 23/6, tại một số tỉnh thành trong cả nước, đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đã tổ chức tiếp xúc cử tri, báo cáo với đại biểu cử tri kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN