Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Bài 2: Không nên quá lo ngại về việc nhập nguyên liệu

Theo TS. Trần Quốc Việt (Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT), với nhu cầu ngày càng tăng, việc nhập khẩu nguyên liệu là dễ hiểu và không nên quá lo ngại. Tuy nhiên, lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là không tốt. Sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc có thể sẽ là một giải pháp để giảm nhập khẩu các nguyên liệu.

 

´Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng việc lệ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập ngoại có thể gây ra rất nhiều hệ lụy đối với ngành chăn nuôi nước nhà. Chẳng hạn như những nguy cơ tiềm ẩn trong nguồn nguyên liệu nhập khẩu có thể dẫn đến ảnh hưởng xấu về chất lượng sản phẩm chăn nuôi, trong khi việc kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập khẩu này còn gặp rất nhiều hạn chế. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?


Việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là không tốt. Tất nhiên, trên thế giới, rất nhiều nước lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi như Thái Lan, Philíppin, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…


Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế thế giới, việc buôn bán trao đổi nguyên liệu thức ăn với các nước là hoàn toàn bình thường, không có lý do gì để lo ngại chuyện đó.


Cũng không có nguy cơ tiềm ẩn gì trong nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì chúng ta đã có cả một hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng và hệ thống quản lý khá tốt về nhập và sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.


Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ đến việc thay vì phải nhập khẩu ngô và lúa mỳ, nên sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc sẵn có để làm thức ăn chăn nuôi. Việt Nam là nước nông nghiệp với diện tích trên 7,6 triệu ha lúa ba vụ và riêng năm 2011, sản lượng lúa của nước ta đạt trên 42 triệu tấn. Nếu tình hình xuất khẩu gạo trong những năm tới gặp nhiều khó khăn, thì ta sẽ có một lượng đáng kể thóc và các sản phẩm từ thóc có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc làm thức ăn chăn nuôi ở nước ta vẫn rất khiêm tốn. Trong khi đó mỗi năm ta phải nhập một lượng không nhỏ (gần 4 triệu tấn) các nguyên liệu thức ăn giàu năng lượng như ngô, lúa mỳ để làm thức ăn chăn nuôi.

 

´Vậy nguyên nhân nào khiến việc sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc làm thức ăn chăn nuôi chưa nhiều, thưa ông?


Các sản phẩm từ thóc như tấm, gạo lật đều có giá trị nuôi dưỡng đối với vật nuôi (xét cả về độ ngon miệng và giá trị dinh dưỡng) không thua kém so với ngô và lúa mỳ. Bởi vậy, không có trở ngại gì về mặt kỹ thuật khi sử dụng các nguyên liệu này để thay thế ngô và lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.


Tuy nhiên, về khía cạnh kinh tế, tính cạnh tranh trong sử dụng một nguyên liệu nào đó trong sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào giá trị tính bằng tiền cho một đơn vị dinh dưỡng (năng lượng, protein, axit amin...). Khi giá thóc và các sản phẩm từ thóc có lợi thế hơn so với ngô và lúa mỳ nhập khẩu, thì việc sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc là hoàn toàn khả thi.


Nhưng trên thực tế, trong những năm qua và cả thời điểm hiện nay, giá thóc vẫn rất bất lợi, giá trị tính bằng tiền cho 1 đơn vị năng lượng trao đổi (cho lợn và gia cầm) của thóc cao hơn so với ngô và lúa mỳ từ 30 đến 32%. Đó là lý do chủ yếu khiến trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thóc và các sản phẩm từ thóc như tấm, gạo lật được sử dụng với số lượng rất ít.

 

´Vậy theo ông, làm thế nào để tận dụng lợi thế là một quốc gia sản xuất nhiều lúa gạo để từ đó tăng sử dụng thóc làm thức ăn chăn nuôi?


Trong thời gian tới, lượng thóc và các sản phẩm từ thóc được sử dụng cho chăn nuôi nhiều hay ít phụ thuộc vào các biện pháp giảm giá thóc, sao cho giá thóc và các sản phẩm từ thóc cạnh tranh được với giá ngô và lúa mỳ nhập khẩu.


Có nhiều cách để giảm giá thóc và các sản phẩm từ thóc, nhưng chung quy lại có hai nhóm giải pháp: Một là nhóm giải pháp mang tính kỹ thuật (tạo ra các giống lúa lai năng suất và sản lượng cao, cải tiến kỹ thuật canh tác, giảm thất thoát sau thu hoạch). Nhóm giải pháp thứ hai là về cơ chế, chính sách, trong đó có việc quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất thóc và các sản phẩm từ thóc làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó là hỗ trợ người trồng lúa về vốn để sản xuất thóc hàng hóa làm thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là hỗ trợ về chính sách tín dụng cho người chăn nuôi và các nhà sản xuất thức ăn để họ tiếp cận được với nguồn thóc và các sản phẩm từ thóc với giá rẻ.


Xin cảm ơn ông!


Mạnh Minh (thực hiện)

 

Bài cuối: Hướng dần đến tự chủ

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Bài 1: Nhu cầu lớn lệ thuộc nhiều
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Bài 1: Nhu cầu lớn lệ thuộc nhiều

Lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn là một trong những thách thức mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt. Giảm dần sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tiến tới tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành là một kỳ vọng của nền nông nghiệp nước ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN