Nhận diện nông sản Organic Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau củ, quả, tôm cá, gạo, trà, dầu dừa… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa.

Sáng nay ngày 12/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã phối hợp với Viện kinh tế Nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) tổ chức hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam - Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”.

Theo VOAEI, Việt Nam hiện đang đương đầu với những thách thức lớn do tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường sống đang có những tác động xấu đến chất lượng thực phẩm, đến sức khỏe, sự an toàn, niềm tin và cuộc sống người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua và ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất được nhiều DN quan tâm và tìm hiểu. Ảnh: Hải Yên

Trước tình thế đó, việc định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập thế giới là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Theo xu hướng đó, một số nhà đầu tư, các nông trường có quy mô khác nhau, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp tiên phong chuyển dịch dần phương thức canh tác sang sản xuất xanh và sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định như VietGap, Global Gap, hoặc theo định hướng nông nghiệp tự nhiên không dùng thuốc. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được xem là một lãnh vực mới nổi ở Việt Nam, nhưng hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đi theo hướng NNHC đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau củ, quả, tôm cá, gạo, trà, dầu dừa… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa. Nguyên nhân là do giá thành các sản phẩm NNHC khá cao, rất kén người mua nên vẫn chưa được người tiêu dùng trong nước biết nhiều. Chỉ đến khi vấn đề thực phẩm bẩn, chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế bến, sản xuất… được báo động, sản phẩm NNHC mới bắt đầu được người tiêu dùng tìm đến.

Do thực phẩm được trồng theo phương thức NNHC nên việc chăm sóc rất mất nhiều thời gian, công sức, năng suất thấp, dẫn đến giá thành cao. Ảnh: Hải Yên

Chính vì thế, hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic” được tổ chức nhằm tạo ra một bức tranh nhận diện rõ ràng hơn của ngành NNHC, từ đó thúc đẩy phong trào cũng như cách thức chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang NNHC. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các DN đi theo hướng NNHC cùng ngồi lại thảo luận về góc nhìn và phát triển thị trường, mức độ công nhận của xã hội, qua đó các DN có những chiến lược và phương thức thực tế hơn để mở rộng mô hình NNHC.


Ngoài ra, hội thảo cũng là nơi các để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về ngành NNHC, tạo cho các DN đang sử dụng phương thức sản xuất nông nghiệp vô cơ chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ sạch và xanh hơn, là chất xúc tác thức đẩy xây dựng thị trường ngách sản phẩm hữu cơ có quy mô nhỏ phát triển thành thị trường lớn hơn cho các sản phẩm thay thế khác, đáp ứng phù hợp với những thách thức và nhu cầu bức xúc đối với môi trường và cộng đồng xã hội.


Tại hội thảo, nhiều DN tham gia sản xuất NNHC kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần đồng hành hơn với DN để ngành NNHC phát triển mạnh. Cụ thể, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong hỗ trợ ưu đãi khi nông dân, DN tham gia NNHC như, nông dân canh tác hữu cơ sẽ được hưởng lợi gì về vay vốn ngân hàng (thời gian dài hơn và lãi suất thấp hơn) so với canh tác vô cơ. Tương tự, DN tham gia NNHC được hưởng lợi gì, ưu đãi gì khi phân phối sản phẩm, vay vốn, xúc tiến thương mại… Mặt khác, cần có sự quy hoạch cụ thể vùng sản xuất NNHC để tránh sự ô nhiễm chéo của vùng sản xuất vô cơ. Bên cạnh đó, phải có sự phân biệt rõ thế nào là VietGab, Golbal Gap, Organic trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện; thưởng, phạt rõ ràng trong sản xuất hữu cơ và vô cơ nhằm tạo động lực cho người nông dân, DN tham gia mô hình sản xuất NNHC. Có như vậy, việc sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sẽ chuyển dịch dần so mô hình NNHC, tạo được sự cạnh tranh khi hội nhập.


Hải Yên
Công bố các cơ sở bán nông sản sạch
Công bố các cơ sở bán nông sản sạch

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố danh sách 69 cơ sở bán sản phẩm nông, lâm thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đây sẽ là những địa điểm bán nông sản sạch, có chứng nhận, giúp người dân an tâm sử dụng nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN