Nhận diện xu hướng lớn của chuỗi cung ứng thời trang trong đại dịch COVID-19

Trong những tháng đầu năm 2021, số đơn hàng dệt may đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, ngành dệt may được xem là ngành có sự hồi phục đáng ghi nhận nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế, việc nhận diện rõ những xu hướng thay đổi của chuỗi cung ứng thời trang thế giới sẽ là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cách ứng phó phù hợp hơn trong thời gian tới, qua đó có thể phát triển bền vững, tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu.

Chú thích ảnh
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khởi sắc nhưng vẫn còn những nỗi lo

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 3 tháng đầu năm ước đạt 8,85 tỷ USD, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ước đạt 5,11 tỷ USD, tăng 10,15% so với cùng kỳ, khiến giá trị thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 4,57 tỷ USD, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), sự hồi phục này hầu hết là ở các doanh nghiệp lớn. Vì theo khảo sát của ERC, có đến 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, dưới 300 lao động; trong đó có đến 54,4% doanh nghiệp còn rất khó khăn và chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp cho biết họ mới bắt đầu hồi phục.

Về ngành sợi, theo đánh giá của VITAS, mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại từ cuối 2020 do giá bông tăng (khoảng 30%) và giá sợi tăng (khoảng 25%), nhưng trước đó, ngành sợi có đến hai năm dài tuột dốc nằm dưới đáy sâu, nhiều doanh nghiệp sợi phải chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, mặc dù ngành sợi xuất khẩu được gần 3 tỷ USD năm 2020, nhưng giá sợi lên xuống rất nhanh theo thị trường.

Đáng chú ý, giá bông sợi tăng nhưng giá vải vẫn chưa được điều chỉnh khiến những doanh nghiệp dệt gần như khó làm. Trong khi đó, các sản phẩm may mặc xuất khẩu chính của Việt Nam trong quý 1 vẫn tập trung nhiều vào các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ và các mặt hàng dệt kim. Các mặt hàng trang phục công sở có sự phục hồi nhất định, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành.

Ngoài ra, theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phải chịu áp lực cao về quản trị rủi ro trong dịch bệnh, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa; hoặc không may nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại. Cùng với đó là áp lực cạnh tranh về lao động của ngành điện tử, da giày; của các đơn vị lớn với đơn vị nhỏ; áp lực về việc tăng lương tối thiểu hàng năm đi kèm với đó là việc điều chỉnh, nâng cấp một số địa phương từ vùng thấp lên vùng cao, khiến gánh nặng tài chính của doanh nghiệp gia tăng trong khi tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhận diện các xu hướng lớn

Theo Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi, do đại dịch COVID-19, việc làm bên ngoài bị hạn chế, sức khỏe bị đe dọa, nên người tiêu dùng rất quan tâm sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe, bền vững môi trường và đảm bảo quyền người lao động. Khảo sát của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho thấy, 67% người tiêu dùng rất quan tâm đến uy tín của nhãn hàng về phát triển bền vững môi trường và lao động. Không những thế, xu hướng này còn được luật hóa tại các nước EU, thị trường thời trang lớn của thế giới.

Như năm 2015, Hà Lan đã ban hành luật cấm mọi hành vi sử dụng lao động trẻ em trong toàn chuỗi cung ứng; năm 2017, Pháp ban hành luật rà soát quyền con người trong chuỗi cung ứng. Đức và EU cũng đang xem xét dự luật rà soát các quyền con người bắt buộc trong chuỗi cung ứng. Do vậy, khi các luật này được áp dụng, ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ thị trường thời trang là cực kỳ lớn.

Mặc dù gia tăng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường và lao động, nhưng áp lực phải giảm giá; xu hướng bán hàng online khiến áp lực về đơn hàng phải nhỏ đi, tính cá nhân hóa sản phẩm, thời gian giao hàng nhanh lại tăng lên, tạo ra áp lực trái chiều đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Theo khảo sát của ERC, có đến 45,1% các nhà máy cho biết phải đối mặt với áp lực giảm giá cao hơn mọi năm. Trong khi trước đây, chỉ phải giảm khoảng 5-10%, thì hiện nay phải giảm 20-30%, thậm chí phải giảm nhiều hơn nữa. Còn theo khảo sát của trang Better Buying năm 2020 đối với khoảng 8.000 nhà máy may trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 36% cho biết các chi phí liên quan đến tiêu chuẩn lao động và môi trường được nhãn hàng chia sẻ trong đơn hàng. Do vậy, rõ ràng là các nhà máy lớn sẽ có khả năng thương lượng được với nhãn hàng về việc chia sẻ chi phí, còn các nhà máy nhỏ, không có khả năng thương lượng sẽ phải tự bỏ tiền ra.

Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi lưu ý thêm, theo khảo sát của ERC, những ưu đãi thuế của các Hiệp định thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính là lý do khiến 40% nhãn hàng cho biết họ chắc chắn sẽ tăng mua từ Việt Nam. 52% lưỡng lự cũng chỉ vì không biết liệu Việt Nam có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ hay không, vì nếu không đáp ứng được, ưu đãi thuế sẽ không còn có ý nghĩa. Để đáp ứng được tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp Việt Nam không còn con đường nào khác ngoài việc phải tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu trong nước, hoặc phải nhập từ các nước có FTA với EU như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mức giá sẽ cao hơn từ 8 – 15%.

Một xu hướng khác nữa mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú ý là sự phân hóa trong tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng. Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi dẫn lời Giám đốc mua hàng toàn cầu của một nhãn hàng thời trang thể thao và ngoài trời lớn của châu Âu rằng đại dịch khiến khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh, người giàu mua hàng chất lượng của các nhãn hàng bền vững, còn người nghèo mua từ các nhãn hàng siêu rẻ. Hàng thời trang rẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhưng lại dẫn tới việc ép giá cho toàn bộ chuỗi cung ứng và “đây thực sự là tai họa”.

Theo khảo sát gần đây của ERC, có đến 26% doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong trung hạn và 7,7% doanh nghiệp trong dài hạn cho biết họ không làm OEM (hay còn gọi là FOB, nghĩa nhà cung ứng chủ động về nguyên vật liệu) và ODM (nhà cung ứng tham gia từ quá trình thiết kế ra sản phẩm), mà quay trở lại làm CMT (gia công thuần túy). Số này cho biết họ hiểu rất rõ làm CMT lợi nhuận rất ít, nhưng làm OEM, ODM đầu tư rất lớn, rủi ro tài chính cao, trong khi họ vẫn còn khó khăn, khó vay vốn ngân hàng, nên không còn cách nào khác là quay lại làm gia công.

Mặc dù xu hướng này từng xảy ra ở Việt Nam giai đoạn 2008-2012, khi nước ta gặp khó khăn về kinh tế, nhưng xu hướng này sẽ dẫn đến sự phân hóa giữa các nhà máy; trong đó nhóm các nhà máy lớn làm OEM, ODM sẽ vượt lên, có tiền rồi sẽ đầu tư nhiều hơn cho công nghệ xanh, tự động hóa, lao động, tham gia vào được các chuỗi cung ứng phát triển bền vững.

Ngược lại, một nhóm nhỏ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia công thuần túy, lợi nhuận ít, không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sẽ rơi ra khỏi chuỗi cung ứng bền vững. Khi đó, họ sẽ phải làm cho các hãng thời trang giá rẻ, chỉ cạnh tranh về giá, không quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Đó chính là “cuộc đua xuống đáy” mà các nhà nghiên cứu khi phát hiện được điều này thấy rất lo lắng, bà Chi chia sẻ.

Trong khi đó, các nhãn hàng lại có xu hướng đa dạng hóa nhà cung ứng, đặc biệt là cắt ngắn chuỗi cung ứng, nhằm giảm nguy cơ rủi ro. Theo khảo sát của ERC, có đến 60% nhãn hàng muốn mua trực tiếp từ các nhà cung ứng có thể làm OEM, 25 - 30% muốn mua ODM và chỉ khoảng 20% là muốn mua CMT. Như vậy, nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng được giá trị sản xuất từ gia công lên OEM, ODM thì sẽ có cơ hội trở thành nhà cung ứng trực tiếp của các nhãn hàng phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, khi đó, sự cạnh tranh giữa các nhà cung ứng để tham gia hoặc giữ chân trong chuỗi ấy trở nên khắc nghiệt hơn. Và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ tầm để có thể làm trực tiếp với các nhãn hàng.

Theo ông Vũ Đức Giang, số doanh nghiệp đó chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì đa phần các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ, khi làm việc trực tiếp với nhãn hàng, họ phải đối mặt với ba thách thức: thứ nhất là phải có nguồn lực về phát triển thiết kế, nguyên phụ liệu và đàm phán. Thứ hai là phải có thiết bị, công nghệ phát triển mẫu phù hợp với xu thế, phù hợp với dòng sản phẩm của nhãn hàng đó, kể cả thiết kế 3D, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, doanh nghiệp phải ra được mẫu, tính được giá.

Thách thức thứ ba là phần cung thiếu hụt nguyên phụ liệu ở Việt Nam. Trong khi đó, tích lũy thu về trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam rất mỏng. 90% doanh nghiệp lợi nhuận hàng năm thu về hầu như chỉ đủ vun vén cho năm tài chính đó và có một phần nhỏ chia cho các cổ đông, nếu quản trị không tốt thì về con số không.

Ông Giang chia sẻ các nhãn hàng càng ngày càng cạnh tranh nhau, muốn bỏ trung gian và làm trực tiếp với các nhà cung ứng Việt Nam, nhưng các nhà cung ứng Việt Nam phải vượt qua được ba thách thức trên và nếu muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết chuỗi với nhau.

Tiến Hiếu (TTXVN)
Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý 1/2021
Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý 1/2021

Trong quý 1/2021, xuất khẩu dệt may đã có những bước hồi phục, đạt 7,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng không cao nhưng được kỳ vọng mở ra những tín hiệu tích cực cho giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN