Bên cạnh đó, tháng 8 trùng với tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) thường rơi vào chu kỳ mà tâm lý nhà đầu tư thường dè dặt khi quyết định mua bán. Vì vậy, không có nhiều lý do để kỳ vọng thị trường quay trở lại nhịp tăng trong tuần giao dịch tới.
Thực tế, sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường đã đảo chiều giảm trong tuần qua. Kết thúc tuần giao dịch, VN - Index giảm 2,25 điểm xuống 991,1 điểm; HNX - Index giảm 2,703 điểm xuống 103,7 điểm. Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó với khoảng 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Bên cạnh đó, sau nhiều tuần khối ngoại mua ròng liên tiếp thì tuần qua đã quay đầu bán ròng hơn 410 tỷ đồng trên toàn thị trường. Xét đến diễn biến nội tại của thị trường, các mã cổ phiếu lớn và các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đang “rơi” vào điều chỉnh.
Tại nhóm cổ phiếu “họ Vingroup”, cổ phiếu VIC có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen nhau. Tính cả tuần VIC tăng nhẹ 0,5%. Cổ phiếu VHM có những phiên tăng mạnh mẽ, vì vậy giúp VHM tăng 3,3% trong tuần qua. Trong khi đó, cổ phiếu VRE giảm tới 2,9%.
Nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm - đồ uống diễn biến tiêu cực. Đặc biệt, hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành là VNM giảm 0,4% và MSN giảm tới 2,5%. Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành hàng không là VJC giảm 0,5%.
Như vậy, mặt bằng chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang diễn biến tiêu cực, khi số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng giá. Hơn nữa, tại các mã cổ phiếu tăng giá cũng chưa cho thấy một xu hướng tăng chắc chắn. Diễn biến khá tiêu cực của nhóm vốn hóa lớn có thể còn tiếp diễn và khiến thị trường gặp khó khăn trong tuần giao dịch tới.
Tuần qua, các cổ phiếu họ dầu khí giao dịch tiêu cực cũng là nguyên nhân kéo thị trường giảm điểm. Cụ thể, PLX giảm 1,2%, GAS (1,7%), PVD (3,4%), PVS (3,5%)... Giá cổ phiếu dầu khí giảm là khá tương đồng với việc giá dầu thế giới giảm. Theo đó, quyết định đánh thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến giá dầu thế giới đảo ngược đà tăng trước đó trong tuần. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent Biển Bắc giảm khoảng 2,7%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm khoảng 1,2%.
Ông Ryan Fitzmaurice, Chiến lược gia hàng hóa của công ty RoboResearch nhận định, thị trường dầu mỏ vẫn đang bị chi phối bởi quyết định đánh thuế của Washington, nhưng từ đầu năm đến nay Trung Quốc nhập khẩu rất ít dầu thô từ Mỹ, nên mức thuế trên rất ít khả năng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường “vàng đen”.
Đã từng là nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Mỹ, nhưng Trung Quốc hồi năm ngoái đã hạn chế mua dầu từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn. Như vậy, diễn biến đi xuống của giá dầu, cùng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhóm cổ phiếu “dầu khí” có lẽ còn chịu nhiều áp lực giảm giá trong tuần tới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực trong tuần qua với hầu hết các mã giảm giá khá sâu như: BID giảm 0,7%, CTG (4,3%), MBB (0,8%), EIB (0,5%), TPB (3,5%), TCB (1,2%), STB (5%)... Trong bối cảnh hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể khó có cơ hội đảo chiều tăng giá. Có lẽ, kịch bản thích hợp và tích cực nhất cho nhóm cổ phiếu này là đi ngang tích lũy.
Trái với diễn biến tiêu cực chung, nhóm dệt may và khu công nghiệp bứt phá với kỳ vọng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại. Theo đó, các mã trong nhóm này ở chiều tăng mạnh như: BCM (7%), NTC (7,1%), D2D (10,1%), SZC (10,9%), TIP (13,8%), SZL (20,1%)...
Xét đến yếu tố vĩ mô, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc Fed hạ lãi suất nhưng không như kỳ vọng của giới đầu tư đang chi phối thị trường chứng khoán toàn cầu. Trên thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite có mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/12/2018.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell đã thực hiện bước đầu tiên là hạ lãi suất nhưng nói rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ. Theo Chủ tịch Fed, động thái hạ lãi suất là sự điều chỉnh giữa chu kỳ trong chính sách tiền tệ, không phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ. Vì vậy việc hạ lãi suất sẽ không phải là việc làm thường xuyên, theo chuỗi của Fed.
Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 1/9, gây tác động đến lớn lên thị trường.
Khép lại tuần giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 707,44 điểm, hay 2,6%, xuống 26.485,01 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 3,1%, xuống 2.932,05 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,9% xuống 8.004,07 điểm.
Nhà chiến lược của Deutsche Bank, Alan Ruskin cho rằng, sự sụt giảm của thị trường trong tuần qua chỉ là sự mở đầu cho tác động có xu hướng kéo dài nhiều tuần do thông báo mới về thuế.
Như vậy có thể thấy, tâm lý nhà đầu tư sẽ ngày càng trở nên thận trọng trong tuần giao dịch tới, vì kênh đầu tư chứng khoán vốn đang chịu nhiều yếu tố tác động khá tiêu cực.
Hơn nữa, báo cáo kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành. Những thông tin tích cực từ kỳ báo cáo đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Do vậy, tuần tới thị trường sẽ thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tích cực.
Các nhà phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (5 - 9/8), VN - Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc trong vùng 990 - 1.000 điểm trong các phiên đầu tuần và suy yếu dần trong các phiên cuối tuần khi nhà đầu tư quyết định bán ra.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nêu quan điểm, VN - Index đang cần động lực tăng trưởng mới và điều này chưa dễ xác định khi điểm trũng thông tin đang đến gần.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BSC nhận định: “Tuần tới, thị trường được dự báo sẽ có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 980 - 1005 điểm. VN - Index có thể sẽ tiếp tục tục gặp khó khăn trước áp lực chốt lời tại vùng cản tâm lý 1000 - 1005 điểm, đặc biệt là khi khối ngoại đang có động thái chuyển sang bán ròng trong những phiên gần đây.”